Thị trường chứng khoán Mỹ lại nhuốm sắc đỏ vào ngày thứ Hai, cụ thể chỉ số S&P 500 chốt phiên rơi về vùng thị trường gấu. Lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ tăng lên một mức đỉnh mới khi thị trường vẫn còn lo ngại về kịch bản tăng lãi suất từ phía Cục Dự trữ Liên bang.
Chỉ số Bình quân Công nghiệp Dow Jones (DJIA, –2,79%) giảm 875 điểm, tương đương 2,8%, trong khi chỉ số S&P 500 (SPX, –3,88%) giảm 3,9% và chỉ số Tổng hợp Nasdaq (COMP, –4,68%) giảm 4,7%. Kết quả này càng làm trầm trọng thêm nhịp giảm vào tuần trước, với việc chỉ số S&P 500 giảm 6,3% tính từ mức đóng cửa của ngày thứ Ba đến mức đóng cửa của ngày thứ Sáu.
Thị trường chứng khoán Hoa Kỳ hiện đã giảm xuống mức đáy mới trong năm khi rơi vào trạng thái “thị trường gấu”, theo định nghĩa là mức giảm lớn hơn 20%. Chỉ số S&P 500 đang giao dịch ở khoảng 3750 điểm, trước đó từng giảm xuống ngay trên mức 3800 điểm vào ngày 20/05 trước khi phục hồi trở lại trong một thời gian ngắn.
“Khẩu vị rủi ro trên toàn cầu đã bị ảnh hưởng bởi sự kết hợp giữa nỗi sợ gia tăng lạm phát và phản ứng của Fed đối với vấn đề này,” nhóm chiến lược gia của Bespoke Investment Group viết.
Lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ kỳ hạn 2 năm (US02Y), một đại lượng có chức năng dự báo mức lãi suất quỹ liên bang trong vài năm tới kể từ thời điểm hiện tại, đã tăng lên ngưỡng 3,35%, đây là mức đỉnh mới trong nhiều năm qua. US02Y đã tăng bùng nổ từ mức đáy thấp nhất thời kỳ đại dịch ở mức 0,1%.
Diễn biến này xảy ra khi giới phân tích dự đoán Fed sẽ tiến hành thêm nhiều đợt tăng lãi suất nữa trong tương lai. Fed được kỳ vọng sẽ nâng lãi suất cho vay thêm 0,5% trong mỗi cuộc họp vào mùa hè này. Nhưng hiện nay ngân hàng trung ương Mỹ dự kiến sẽ nâng lãi suất vào tháng 9 sau khi biên bản cuộc họp vừa qua ngụ ý rằng tình hình giảm tốc tăng trưởng kinh tế có thể buộc Fed phải giảm tốc độ tăng lãi suất. Các chuyên gia kinh tế của Barclays hiện kỳ vọng Fed sẽ nâng lãi suất cho vay thêm 0,75% vào cuộc họp tiếp theo.
Nguyên nhân là do lạm phát vẫn tăng nóng không ngừng.
Dữ liệu lạm phát hôm thứ Sáu cho thấy chỉ số giá tiêu dùng tháng 5 đã tăng 8,6% so với cùng kỳ năm ngoái, cao hơn mức 8,3% trước đó. Giá dịch vụ, chẳng hạn như giá khách sạn và giá vé máy bay, cũng góp phần tăng vọt như giá dầu và thực phẩm. Ở thời điểm này, có vẻ như Fed không còn lựa chọn nào khác ngoài việc tiếp tục quyết liệt nâng lãi suất.
“Mặc dù Cục Dự trữ Liên bang một lần nữa dự kiến sẽ tăng lãi suất vào ngày thứ Tư, nhưng rõ ràng nỗ lực của họ từ đầu năm cho đến nay vẫn không giúp hạ nhiệt lạm phát,” Danielle DiMartino Booth, CEO kiêm chiến lược gia trưởng của Quill Intelligence và cựu cố vấn cho chủ tịch Fed Dalass, nhận định. “Cục Dự trữ Liên bang cần phải biểu hiện rõ ràng hơn về thái độ sẵn sàng tăng lãi suất ở mức nhanh và mạnh hơn.”
Khi lãi suất ngắn hạn tăng cao hơn, đường cong lợi suất sẽ gần như bị đảo ngược. Trong tình huống này, lãi suất ngắn hạn sẽ tăng vượt lên trên lãi suất dài hạn. Vào lúc này, điều đó cho thấy rằng lạm phát cao trong ngắn hạn sẽ buộc Fed phải nhanh chóng nâng lãi suất, cuối cùng khiến nhu cầu kinh tế bị ảnh hưởng trong dài hạn. Lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ kỳ hạn 10 năm đã tăng lên mức 3,38% vào ngày thứ Hai, tương ứng mức cao nhất trong nhiều năm trở lại đây.
Hiện tượng đảo ngược lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ kỳ hạn 2 và 10 năm thường sẽ báo trước một cuộc suy thoái sắp xảy ra trong vòng một hoặc hai năm tới, nhưng không phải lúc nào cũng đúng như vậy.
Lợi suất trái phiếu Mỹ tăng cao hơn cũng khiến cho đồng USD lên giá cao hơn. Giới đầu tư toàn cầu sẽ mua nhiều USD khi các loại tài sản tài chính ở Mỹ trở nên hấp dẫn hơn. Chỉ số Dollar Mỹ đã tăng 1% lên mức đỉnh mới trong nhiều thập kỷ qua tại mức 105.
Thế nhưng thị trường chứng khoán Mỹ nói chung lại không muốn chứng kiến đồng USD mạnh hơn. Nguyên nhân là nếu USD đắt hơn thì các công ty đa quốc gia của Mỹ sẽ tích lũy được ít USD hơn khi chuyển doanh thu ở nước ngoài trở lại thành đồng bạc xanh.
Ai cũng hy vọng rằng thị trường chứng khoán đang ở gần mức đáy, nhưng hiện thực chưa chắc đã giống như kỳ vọng. Chừng nào lạm phát vẫn ở mức cao chót vót, Fed sẽ vẫn tiếp tục duy trì kế hoạch tăng lãi suất. Nếu tình hình này không có gì thay đổi, lợi suất trái phiếu có thể tăng cao hơn, qua đó sẽ khiến các cổ phiếu giảm giá sâu hơn. Yếu tố có tầm ảnh hưởng quan trọng đến lạm phát là mức tăng lương, một hệ quả từ việc các doanh nghiệp tìm cách tuyển dụng nhân tài từ một nhóm tương đối nhỏ các ứng viên tiềm năng. Chừng nào còn phải trả lương cao, doanh nghiệp sẽ vẫn còn phải giữ mức giá thành cao.
“Nếu thị trường lao động bắt đầu nới lỏng, lạm phát kỳ vọng sẽ giảm và lợi suất 10 năm sẽ giảm xuống,” nhà sáng lập Dennis DeBusschere của 22V Research cho biết. “Tại thời điểm đó, các nhà đầu tư có thể sẽ bắt đầu nghĩ đến phương án đầu tư trở lại vào các tài sản rủi ro, nhưng trước đó thì chưa.”
Ở các thị trường chứng khoán khác, chỉ số Stoxx 600 toàn châu Âu giảm 2,4% và chỉ số Nikkei 225 của Tokyo chốt phiên giảm 3%.
Nội dung bài viết
Dưới đây là năm cổ phiếu có diễn biến đáng chú ý nhất vào ngày thứ Hai:
Tesla (TSLA) bốc hơi 7,1% khi Nasdaq sụt giảm, ngay cả sau khi nhà sản xuất xe điện được RBC nâng khuyến nghị từ “Trung bình” lên mức “Vượt trội”.
Zendesk (ZEN) giảm 7,9% sau khi bị Morgan Stanley hạ khuyến nghị từ “Nên tăng tỷ trọng” xuống “Tỷ trọng đều”. Docusign (DOCU) tiếp tục giảm sâu hơn kể từ hồi tháng 9, mất giá thêm 10% vào ngày thứ Hai sau khi bị Wolfe Research hạ khuyến nghị từ mức “Trung bình” xuống mức “Kém”. Kosmos Energy (KOS) giảm 8,4% sau khi giá dầu giảm, cộng với việc cổ phiếu này bị Berenberg hạ khuyến nghị từ mức “Nên Mua” xuống mức “Nên Giữ”.
Micron Technology (MU) giảm 6% sau khi bị Summit Insights hạ khuyến nghị từ mức “Nên Mua” xuống mức “Nên Giữ”.
ĐỌC THÊM: Chỉ Số S&P 500 Có Thể Giảm Xuống 3.150 Nếu Xảy Ra Suy Thoái – Goldman Sachs