Nội dung bài viết
Chi phí vận hành chuỗi cửa hàng tại Bắc Mỹ đắt đỏ hơn so với những nơi khác.
Những tác động của đại dịch từ virus corona đang tác động đến Starbucks (NASDAQ: SBUX). Vào giai đoạn đầu của cuộc khủng hoảng, doanh số của công ty giảm đáng kể sau khi đóng cửa không tiếp đón khách trực tiếp tại các cửa hàng trong chuỗi. Giờ đây khi nền kinh tế đang trên đà phục hồi, công ty lại phải đối mặt với hàng loạt các tác dụng phụ khác, chủ yếu là lạm phát và thiếu hụt lao động.
Biến chủng omicron của COVID-19 có khả năng lây nhiễm cao hơn nhiều so với các biến chủng trước đó, khiến số lượng ca bệnh tăng chóng mặt so với các đợt dịch trước đó. Đây là nguyên nhân khiến tình trạng gián đoạn chuỗi cung ứng trên toàn thế giới ngày một trở nên nghiêm trọng. Hơn nữa dù hiện tại số ca nhiễm bệnh đã rời khỏi mức đỉnh, loại virus chết người vẫn có tốc độ lây lan nhanh chóng và khiến nhiều người lao động phải nghỉ làm, từ đó không có nhiều người sẵn sàng làm việc trong các điều kiện rủi ro.
Mặc dù một số tác động có thể tồn tại trong thời gian ngắn, một vài tác động khác như nhu cầu trả lương cao hơn cho nhân viên tại các cửa hàng cà phê giữa bối cảnh thị trường lao động khan hiếm có thể kéo dài hơn dự kiến. Để chống lại tác động tiêu cực từ các áp lực này lên lợi nhuận công ty, Starbucks hiện đang tập trung vào tăng trưởng số lượng cửa hàng mới trên thị trường quốc tế.
Starbucks ở Bắc Mỹ có chi phí vận hành cao hơn hẳn
Trong quý tài chính đầu tiên kết thúc vào ngày 2 tháng 1 của Starbucks, tổng doanh thu thuần tăng 19,3% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong khi đó, chi phí sản phẩm và phân phối tăng 23,3%, còn chi phí vận hành cửa hàng tăng 18,6%.
Trong hội nghị sau công bố thu nhập, Giám đốc điều hành Kevin Johnson đã thảo luận về áp lực lạm phát mà chuỗi đang phải gánh chịu.
“Trước khi xuất hiện biến chủng omicron, chúng tôi đã gặp phải một số áp lực lạm phát và các vấn đề về nhân sự do đại dịch gây ra”, ông cho biết. “Khi số ca nhiễm omicron bắt đầu gia tăng, chi phí lạm phát và tình trạng thiếu nhân sự cũng tăng và vượt quá dự liệu của chúng tôi. Như tôi đã đề cập, ba yếu tố chính bao gồm lạm phát cao, trả lương liên quan đến COVID, hoạt động đào tạo và chuẩn bị sẵn sàng cho các đối tác mới đã tác động đến lợi nhuận của chúng tôi với cấp độ tương đương, ngay cả khi nhu cầu của khách hàng vẫn mạnh.”
Trong điều kiện hiện tại, hoàn toàn có thể hiểu được lý do tại sao Starbucks gặp khó khăn trong việc duy trì đầy đủ nhân viên tại các cửa hàng. Công ty đúng là đã tăng lương cho nhân viên tuyến đầu của mình, nhưng chỉ vài đô la mỗi giờ. Và trong thời điểm tình trạng khan hiếm nhân công mở ra nhiều cơ hội hơn cho người lao động, khoản tăng lương vài đô la một giờ có thể không đủ để bù đắp cho những người chấp nhận mạo hiểm sức khỏe để chấp nhận làm công việc phải tiếp xúc quá nhiều với khách hàng.
Ngoài ra, Starbucks phải đối mặt với chi phí gia tăng do tình trạng thiếu lao động ngay từ trước khi đại dịch xảy ra dù không mấy rõ rệt. Và những vấn đề đó ngày càng trở nên gay gắt hơn ở Bắc Mỹ, nơi lực lượng lao động thấp hơn so với nhu cầu của người tiêu dùng. Nhằm thực hiện một chiến lược dài hạn để phòng ngừa rủi ro trước vấn đề này, Starbucks đã tập trung mạnh mẽ hơn vào việc bổ sung các cửa hàng trên thị trường quốc tế trong vài năm qua.
Trong 12 tháng qua, tổng số cửa hàng Starbucks tại Mỹ đã giảm hai cửa hàng. Ngược lại, số lượng cửa hàng quốc tế ròng của công ty tăng 1.381. Trung bình, những cửa hàng ở nước ngoài hoạt động ít tốn kém hơn. Trong Q1 tài chính, chi phí hoạt động của cửa hàng tính theo phần trăm doanh thu lên tới 51,8% ở Bắc Mỹ, nhưng chỉ khoảng 46,3% ở phân khúc quốc tế.
Dữ liệu này có thể mang ý nghĩa gì đối với các cổ đông của Starbucks?
Hiện Starbucks có lượng cửa hàng trên toàn thế giới (17.429) lớn hơn so với Bắc Mỹ (16.888). Khi quá trình chuyển dịch này tiếp tục và cơ sở cửa hàng ngày càng nghiêng về thị trường nước ngoài, việc quan sát tỷ suất hoạt động có cải thiện hay không sẽ vô cùng thú vị. Đại dịch và các tác động kinh tế tiếp theo sẽ tiếp tục tác động đến tình hình tài chính của công ty. Vì vậy sẽ rất khó có thể phân tách các tác động tích cực trong thời gian tới. Chúng ta chỉ có thể nhìn thấy lợi nhuận của công ty tăng cao khi tình hình lắng xuống.