Tâm điểm của thị trường ngoại hối trong tuần này đang tập trung vào dữ liệu CPI của Mỹ. Tuần này có nhiều động lực có thể thúc đẩy giao dịch ngoại hối. hãy cùng theo dõi các sự kiện trong tuần với bài viết sau đây.
Nội dung bài viết
Tâm điểm thị trường
Ngày 8/11: công bố con số lạm phát kỳ vọng hàng quý của New Zealand. Tuy đây không phải là dữ liệu lạm phát chính thức, nhưng các con số kỳ vọng thường khớp với số liệu thực tế.
Kết quả cuộc khảo sát nhằm ghi nhận mức tăng của giá cả trong thời gian vài năm tới. với mức tăng của lạm phát, các khoản chi phí sản xuất sẽ chuyển sang người dùng. Và kết quả của con số này sẽ hé lộ mức tăng tác động đến người tiêu dùng. Mức lạm phát kỳ vọng trước đó giảm từ 3,29% xuống còn 3,07%, nhưng nếu lạm phát kỳ vọng tăng lên trong đợt này thì điều đó có thể thúc đẩy kịch bản tăng lãi suất từ phía RBNZ và nâng giá đồng NZD.
Ngày 9/11: công bố số liệu lạm phát thực tế với người tiêu dùng và nhà sản xuất tại Trung Quốc. Chỉ số CPI toàn phần tháng 10 dự kiến sẽ giảm từ 2,8% xuống 2,4% so với cùng kỳ năm ngoái trong khi PPI có thể giảm 1,6%, triệt tiêu mức tăng 0,9% trước đó.
Ngược lại, nếu kết quả yếu hơn mong đợi có thể khiến chính phủ Trung Quốc và Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC) điều chỉnh lãi suất, nới lỏng chính sách phòng dịch.
Ngày 10/11: công bố số liệu lạm phát của Mỹ trong tháng 10. Những dự đoán ban đầu cho thấy chỉ số CPI toàn phần có thể đã tăng tốc từ mức 0,4% hàng tháng trong tháng 9 lên mức 0,6% vào tháng 10. Tuy nhiên, lạm phát cả năm được dự báo sẽ giảm từ 8,2% xuống còn 8,0%. Lạm phát cơ bản có thể giảm từ 0,6% xuống 0,5% so với tháng trước.
Thị trường đang đánh giá khả năng FED giảm tốc độ tăng lãi suất trong cuộc họp tháng 12. Trước đó, Chủ tịch FED Jerome Powell đã từng đề xuất phương án tăng lãi suất 0,5%, giảm so với mức tăng liên tiếp 0,75% trong những lần tăng lãi suất gần đây.
Ngày 11/11: công bố số liệu GDP hàng quý của Anh. Sau khi được điều chỉnh tăng lên mức 0,2% trong quý 2, nền kinh tế Anh dự kiến sẽ báo cáo giảm 0,5% GDP trong quý 3. Trước đó, Ngân hàng trung ương Anh (BOE) đã từng cảnh báo về khả năng sản lượng đầu ra của Xứ sở sương mù sụt giảm trong quý gần nhất. bởi vậy, nếu GDP của Anh giảm ít hơn dự kiến hoặc tăng bất ngờ đều có thể giải tỏa áp lực cho đồng bảng Anh.
Cặp tiền đáng chú ý: USD/CHF
Cặp tỷ giá USD/CHF vẫn tiếp tục là cặp tiền được lưu ý từ tuần trước tới nay. Các đường trung bình động đang cho thấy đà tăng sẽ tiếp tục, vì đường SMA 100 vẫn nằm trên đường SMA 200. Thêm vào đó, mức hỗ trợ động SMA 200 lại nằm trùng với đáy kênh, từ đó tăng thêm lực đỡ tại mức sàn này.
Trong khi đó, chỉ báo Stochastic còn một ít dư địa để rơi xuống thấp hơn, vì vậy giá có thể giảm theo. Tuy nhiên, chỉ báo dao động này đã có dấu hiệu chạm vùng quá bán, báo hiệu rằng lực lượng phe bán đã mỏng dần.
Nếu mức hỗ trợ được giữ vững, phe mua USD/CHF có thể hướng mục tiêu trở lại các mức kháng cự gần đó ở khu vực đầu kênh và giữa kênh. Trong khi đó, nếu giá phá vỡ kênh và rơi xuống thấp hơn thì nhịp giảm này có thể mở màn cho con sóng đảo chiều.