Nội dung bài viết
1.Quyết định lãi suất của Fed (16/03)
Về cơ bản, quyết định lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang (Fed) trong tuần sau có lẽ là quyết định dễ dàng nhất đối với họ trong năm nay. Với việc lạm phát toàn phần của Mỹ đứng ở mức 7,9% và có khả năng tăng cao hơn, có một điều khá chắc chắn rằng lãi suất sẽ được nâng lên 0,25% trong tuần sau.
Một số nhân vật thuộc FOMC có lẽ sẽ muốn ủng hộ phương án tăng 0,5%, tuy nhiên, trong bối cảnh Nga tấn công Ukraina và kết quả là giá hàng hóa toàn cầu tăng cao, Fed có thể sẽ hơi thận trọng một chút. Các số liệu bảng lương gần đây nhất cho thấy tốc độ tăng trưởng tiền lương đã chậm lại từ 5,5% xuống 5,1% trong tháng 2, tuy vẫn khá mạnh nhưng không cho thấy mức lương sắp tăng bùng nổ lên cao hơn.
Vấn đề lớn hơn của Fed là làm thế nào nhà băng này có thể truyền tải thông điệp về việc tăng lãi suất trong tương lai giữa bối cảnh giá hàng hóa đầu vào tăng mạnh, qua đó có khả năng làm chậm nền kinh tế Mỹ trong suốt thời gian còn lại của năm. Chủ tịch Fed St. Louis James Bullard đã quyết liệt lên tiếng rằng ngân hàng trung ương Mỹ cần thiết phải tăng lãi suất lên 1% vào ngày 07/01, và cho dù mục tiêu của Fed về tỷ lệ thất nghiệp có được đáp ứng hay không thì trọng tâm nhức nhối nhất vẫn là lạm phát và viễn cảnh chỉ số CPI toàn phần chạm mốc 10% vào giữa mùa hè này.
Các con số dự báo về tăng trưởng và lạm phát trong tuần sau có thể sẽ mang ý nghĩa rất lớn trong bối cảnh đó khi các bên tham gia thị trường bắt đầu đánh giá triển vọng tương lai, cụ thể là liệu Fed sẽ thắt chặt chính sách tiền tệ quyết liệt đến mức nào trong vài tháng tới.
Trước khi Nga tấn công Ukraina, có một số ý kiến trên thị trường cho rằng Fed có thể tiến hành 7 đợt nâng lãi suất trong năm nay, và mặc dù một số người có lẽ đang nghĩ rằng điều đó có thể không xảy ra ở bối cảnh này nữa, nhưng có những người khác lập luận rằng con đường nào cũng dẫn đến kết cục không mong muốn.
Chiêu trò ví lạm phát chỉ là “tạm thời” có vẻ như đã cũ rích khi mà Fed hiện phải tìm cách cân bằng rủi ro giữa việc thắt chặt quá nhanh và đẩy nền kinh tế vào suy thoái hoặc cho phép lạm phát thay họ làm điều đó bằng cách “sống chết mặc bây”.
2.Quyết định của Ngân hàng Trung ương Anh (17/03)
Ở một góc nhìn nào đó, mặc dù đã vạch ra những kế hoạch rối rắm trong vài tháng qua, nhưng Ngân hàng Trung ương Anh (BoE) vẫn dẫn trước cuộc chơi khi nói đến việc tăng lãi suất. Hai đợt tăng lãi suất của BoE kể từ tháng 12 đã đưa lãi suất cơ bản trở lại mức 0,5%, vẫn thấp hơn khi so với trước đại dịch.
Với tỷ lệ thất nghiệp vẫn ở mức thấp, và mức lương trung bình vẫn ở mức thấp, Ngân hàng Trung ương Anh hẳn đang cố quan sát với đôi chút tâm lý lo ngại rằng liệu tình hình lạm phát cao chóng mặt này sẽ tiếp tục kéo dài bao lâu. Với chỉ số CPI đứng ở mức 5,5% và RPI thậm chí còn cao hơn, Ngân hàng Trung ương Anh đã lường trước rằng giá cả sẽ tăng cao hơn nữa với mục tiêu là 7,25% vào tháng 4.
Dựa trên các sự kiện gần đây và nhịp tăng giá khủng khiếp trên thị trường hàng hóa, cả năng lượng và nông sản, mức tăng này có thể sẽ bị phá kỷ lục thêm trong những tháng tới với một kịch bản rất thực tế rằng tốc độ lạm phát có thể tăng đến hai con số và trên 10% khi đến mùa hè.
Giống như Cục Dự trữ Liên bang (Fed), điều này sẽ đặt ra những bài toán thực tế vô cùng nhức nhối cho Ngân hàng Trung ương Anh khi họ phải tìm cách đáp ứng mục tiêu lạm phát đề ra. Nếu đồng bảng Anh suy yếu hơn thì cũng không có tác dụng gì, điều đó có nghĩa là Ngân hàng Trung ương Anh có thể sẽ phải tăng lãi suất thêm nhiều lần nữa vào thời điểm khép lại năm.
Kịch bản này có thể gây ra những hậu quả đáng kể đối với nền kinh tế Vương quốc Anh, và cụ thể hơn là đối với thị trường nhà ở, và những thị trường mà hiện không hoạt động dựa trên các khoản thế chấp với lãi suất cố định.
Tóm lại, khi đứng trước quyết định về lãi suất vào tuần sau, Ngân hàng Trung ương Anh khó có thể tránh tăng lãi suất thêm 0,25% một lần nữa và đưa lãi suất cơ bản trở lại như mức trước đại dịch
3.Số liệu tiền lương/thất nghiệp ở Anh trong tháng 1 (15/03)
Tính đến tháng 12/2021, tỷ lệ thất nghiệp ở Anh vẫn đứng quanh mức thấp nhất kể từ tháng 07/2020 khi đạt mức 4,1% và dự kiến sẽ duy trì tại hoặc xung quanh mức này khi số liệu tháng 1 được công bố vào cuối tuần sau.
Số lượng vị trí tuyển dụng tiếp tục duy trì ở mức cao, điều này có lẽ không có gì đáng ngạc nhiên khi vẫn rất ít dấu hiệu cho thấy tốc độ tăng trưởng tiền lương sẽ tăng lên. Nếu không tính đến tiền thưởng, tiền lương sẽ giảm từ 5% vào tháng 9 xuống còn 3,7% vào cuối quý.
Đây là kết quả đáng thất vọng, tuy nhiên cần lưu ý rằng không có con số nào trong loạt dữ liệu đó phản ánh được các mức tăng lương khác nhau theo công bố của các công ty bán lẻ trong vài tháng qua. Cụ thể, những công ty như Sainsbury công bố mức tăng 10%, Tesco tăng 5,5% , trong khi Lidl cũng đã công bố mức tăng tương tự, ngang bằng với mức lạm phát tăng lương trong những tháng gần đây. Điều này sẽ giúp củng cố tốc độ tăng trưởng tiền lương trong vài tháng tới, trong đó mức tăng lương bao gồm cả tiền thưởng dự kiến sẽ đạt 4,3%.
Theo fxstreet