Thị trường chứng khoán Mỹ đã quay đầu giảm điểm vào cuối phiên giao dịch hôm thứ Ba, đóng cửa trong sắc đỏ sau khi có lúc giữ được sắc xanh trong phiên giao dịch buổi sáng dù số liệu lạm phát tăng nóng hơn dự kiến.
Nội dung bài viết
Chỉ số tiêu dùng của Mỹ tăng
Vào thời điểm chốt phiên, Chỉ số Bình quân Công nghiệp Dow Jones giảm 88 điểm, tương đương 0,3% và S&P 500 giảm 0,3%. Chỉ số Tổng hợp Nasdaq giảm 0,3%.
Chỉ số giá tiêu dùng của Mỹ trong tháng 3 đã tăng 8,5% so với cùng kỳ năm ngoái, cao hơn mức ước tính 8,4% và tăng so với mức ghi nhận 7,9% của tháng 2. Kết quả CPI cơ bản, sau khi loại trừ giá thực phẩm và năng lượng, tăng 6,5%, cao hơn dữ liệu ghi nhận gần đây nhất là 6,4%. Các chuyên gia kinh tế của Morgan Stanley và Citigroup lưu ý rằng do giá xe ô tô cũ giảm nên trọng số này đã tác động đến kết quả thống kê lạm phát.
Nhưng số liệu lạm phát mới nhất đã không làm cho lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ tăng cao hơn. Lợi suất trái phiếu chỉ mới nhảy vọt lên theo dữ liệu cập nhật gần đây.
Lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ kỳ hạn 10 năm rơi xuống mức 2,725%, giảm 0,055%. Đây là một tín hiệu khởi sắc cho thị trường chứng khoán sau đợt tăng vọt khiến lợi suất tăng nhanh từ mức 2,2% chỉ mới một tháng trước. Cục Dự trữ Liên bang (Fed) được dự báo sẽ sớm cắt giảm tỷ lệ nắm giữ trái phiếu, từ đó dòng tiền đổ vào thị trường trái phiếu sẽ xuống thấp hơn, qua đó giúp thúc đẩy làn sóng bán tháo trái phiếu chính phủ Mỹ.
Bên cạnh đó, lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ kỳ hạn 20 năm cũng giảm nhẹ xuống còn 3%, nhưng dù sao mức này vẫn cao gấp đôi tỷ suất cổ tức gần 1,5% của chỉ số S&P 500 trong năm 2022.
Lợi suất trái phiếu tăng cao, thị trường chứng khoán giảm xuống
Lợi suất trái phiếu tăng cao hơn thì sẽ khiến thị trường chứng khoán giảm xuống, đơn cử như chỉ số S&P 500 hiện đang thấp hơn khoảng 5% so với mức đóng cửa ngày 29/03, tức là mức cao nhất của đợt sóng phục hồi nhỏ kéo dài từ mức đóng cửa thấp nhất trong năm nay vào hồi đầu tháng 3. Lợi suất trái phiếu cao hơn sẽ làm cho giá trị lợi nhuận trong tương lai kém hấp dẫn hơn, qua đó làm giảm mức định giá cổ phiếu.
Lợi suất ngắn hạn cũng tương tự như vậy. Lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ kỳ hạn 2 năm, một chỉ báo có chức năng dự báo mức lãi suất cho vay chuẩn trong vài năm tới, đã giảm 0,106% xuống còn 2,389%. Điều đó cho thấy thị trường đã chấp nhận thực tế rằng Fed sẽ phải tăng lãi suất nhiều đợt như dự kiến.
Trong tình hình lạm phát vẫn tăng nhanh, diễn biến trên thị trường trái phiếu có vẻ khá bất thường. Nhưng mặc dù kết quả CPI cơ bản đạt mức “cực kỳ cao”, theo trưởng phòng đầu tư thu nhập cố định Tom Graff tại Brown Advisory, “điều đó có nghĩa là các quan chức Fed chưa hẳn sẽ phản ứng quyết liệt hơn vào năm 2023.”
Các bên tham gia thị trường trái phiếu vốn dĩ đã lường trước rằng Fed sẽ tăng lãi suất thêm khoảng 10 lần nữa kể từ thời điểm này.
Nhưng có lẽ cũng không có gì đáng ngạc nhiên khi thị trường chứng khoán đảo ngược nhịp tăng trước đó trong ngày ngay cả khi lợi suất trái phiếu giảm.
“Tôi đã rất ngạc nhiên khi thấy thị trường chứng khoán phục hồi vào buổi sáng với dữ liệu đó,” giám đốc chiến lược sản phẩm phái sinh Shawn Cruz tại TD Ameritrade cho biết. “Kết quả lạm phát không được tốt cho lắm.”
Nhìn chung, đa phần giới đầu tư đều nhận thức rõ rằng thị trường chứng khoán sẽ khó tăng điểm từ đây. Đó là vì lợi nhuận lũy kế dự kiến trên mỗi cổ phiếu trong nhóm chỉ số S&P 500 trong năm tới sẽ đạt khoảng 5,3% so với mức điểm hiện tại của chỉ số này. Đây cũng là tỷ suất lợi nhuận kỳ vọng của chỉ số S&P 500 cho các nhà đầu tư trong năm nay. Nhưng con số đó chỉ cao hơn khoảng 2,5% so với lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ kỳ hạn 10 năm. Theo nghiên cứu của Morgan Stanley, thông thường khi nền kinh tế gia tăng bất ổn, giới đầu tư sẽ mong muốn mức sinh lời 4% hoặc cao hơn đối với cổ phiếu. Tỷ suất sinh lời như vậy sẽ đẩy giá cổ phiếu xuống thấp hơn, và các nhà đầu tư đang cảnh giác trước tình trạng đó.
Không chỉ những mã chứng khoán có giá trị vốn hóa thị trường lớn mới bị dao động mạnh mà ngay cả các cổ phiếu trong nhóm vốn hóa nhỏ cũng rung lắc dữ dội. Chỉ số Russell 2000 kết thúc ngày thứ Ba chỉ nhỉnh lên 0,2% sau khi tăng 2,38% trước đó trong phiên. Khi Russell 2000 chìm trong sắc đỏ vào cuối phiên buổi chiều, chỉ số này đã có nhịp đảo chiều mạnh nhất kể từ ngày 01/12/2021.
Tuy nhiên, vấn đề không hẳn phát sinh từ dữ liệu kinh tế. Mùa báo cáo tài chính quý đầu tiên đang sắp bắt đầu và chỉ có 15 công ty trong nhóm S&P 500 sẽ báo cáo kết quả trong tuần này, trong đó bao gồm các tập đoàn tài chính lớn của Mỹ như JPMorgan Chase (JPM) và BlackRock (BLK) vào ngày thứ Tư, trước Citigroup (C), Morgan Stanley (MS), Goldman Sachs (GS) và Wells Fargo (WFC) vào thứ Năm.
Ở các thị trường khác trên quốc tế, chỉ số Stoxx 600 toàn châu Âu giảm 0,4% và chỉ số Nikkei 225 của Tokyo, một chỉ số từng tương quan thuận với Nasdaq trong quá khứ, giảm 1,8%.
Năm cổ phiếu đáng chú ý trong phiên giao dịch ngày thứ Tư:
Cổ phiếu CarMax (KMX) giảm 9,5% sau khi công ty báo lãi 98 cent/cổ phiếu, trượt mức ước tính 1,27 USD/cổ phiếu, với doanh số 7,7 tỷ USD, cao hơn mức kỳ vọng 7,5 tỷ USD.
Cổ phiếu Crowdstrike (CRWD) tăng 3,2% sau khi được Goldman Sachs nâng mức khuyến nghị từ “Trung lập” lên “Nên Mua”.
Cổ phiếu Domino’s Pizza (DPZ) tăng 0,1% sau khi được Citigroup nâng mức khuyến nghị từ “Trung lập” lên “Nên Mua”.
Cổ phiếu Aptiv PLC (APTV) đã tăng 2,5% sau khi được Wells Fargo nâng mức khuyến nghị từ “Nên giảm tỷ trọng” lên “Nên giữ tỷ trọng đều”.
Cổ phiếu Starbucks (SBUX) giảm 1,1% sau khi bị Citigroup hạ bậc đánh giá từ “Nên Mua” xuống còn “Trung lập”.
>>> Xem thêm: Hợp Đồng Tương Lai Chứng Khoán Mỹ Giao Dịch Giảm Nhẹ