Giá Bitcoin đã tăng lên mức cao 43.106 USD trong ngày thứ Ba (11/1), dẫn đầu đà phục hồi trên toàn thị trường tiền kỹ thuật số. Động thái này diễn ra sau khi đà giảm kéo dài 5 ngày của thị trường chứng khoán Mỹ chững lại, khi các nhà đầu tư chờ đón dữ liệu Chỉ số Giá tiêu dùng (CPI) công bố vào thứ Tư (12/1).
Đồng tiền kỹ thuật số lớn nhất thế giới về vốn hóa thị trường giảm nhẹ về cuối ngày, giao dịch trên ngưỡng 42.800 USD, tăng hơn 2% trong vòng 24 giờ.
Theo Bloomberg đưa tin, thị trường chứng khoán Mỹ đã bật tăng trong phiên giao dịch ngày 11/1, sau khi Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) Jerome Powell trấn an các nhà đầu tư rằng, FED sẽ tìm cách kiểm soát mức lạm phát cao hiện nay, đồng thời đánh tín hiệu rằng ngân hàng trung ương có thể sẽ thu hẹp bảng cân đối kế toán trong năm nay.
Theo Coindesk, thời gian gần đây, Bitcoin và toàn bộ thị trường tiền kỹ thuật số nói chung hoạt động mạnh mẽ như một tài sản rủi ro.
Hiện, thị trường đang dồn sự chú ý vào chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 12 của Mỹ, sẽ được công bố trong ngày 12/1. Các nhà kinh tế dự đoán CPI sẽ tăng 0,5%, lên 7,1%.
Trong hai tháng trước đó, giá Bitcoin đã chứng kiến mức biến động mạnh sau khi dữ liệu CPI được công bố. Trong khi một số nhà đầu tư và nhà giao dịch tiền kỹ thuật số coi Bitcoin như một hàng rào chống lại lạm phát, những người khác coi nó như một tài sản rủi ro giống như cổ phiếu, tức là cũng có phản ứng với việc chính sách tiền tệ bị thắt chặt vì lạm phát cao.
Hầu hết các loại tiền kỹ thuật số lớn khác cũng tăng vào thứ Ba (11/1). Ether, đồng tiền kỹ thuật số lớn thứ hai tính theo vốn hóa thị trường, đã tăng hơn 5% lên trên 3.200 USD. Token lớp 1 NEAR vẫn là mã tăng điểm lớn nhất, với mức tăng gần 13% trong tuần trước.
Nội dung bài viết
Phân tích kỹ thuật
Bitcoin giao dịch trên mức hỗ trợ 40.000 USD, và tăng khoảng 3% trong vòng một ngày. Phe mua đang bắt đầu quay trở lại thị trường, dù xu hướng tăng dường như bị giới hạn ở mức kháng cự 45.000 USD, gần mức trung bình động (MA) 200 ngày.
Trên biểu đồ theo ngày, đà tăng đang được cải thiện, điều này cho thấy phe mua có thể tiếp tục hoạt động tích cực trong phiên giao dịch Châu Á.
Chỉ số sức mạnh tương đối (RSI) trên biểu đồ theo ngày cho thấy Bitcoin đang ở mức quá bán cao nhất kể từ ngày 10/12/2021. Thông thường, các chỉ số quá bán báo trước sự phục hồi của giá, tương tự như những gì đã xảy ra vào cuối tháng 9/2021. Tuy nhiên, lần này, phản ứng của giá đối với RSI và các chỉ báo khác đã bị trì hoãn.
Dù vậy, trên biểu đồ theo tuần, chỉ báo RSI vẫn chưa ở mức quá bán, điều này làm giảm khả năng xảy ra áp lực mua lớn.
Mối tương quan với cổ phiếu tăng
Mối tương quan của Bitcoin với S&P 500 đang đạt đến mức cao nhất trong khoảng một năm. Một số nhà phân tích lo ngại rằng rủi ro kinh tế vĩ mô đối với thị trường chứng khoán có thể đè nặng lên giá tiền kỹ thuật số trong năm nay.
“Tiền kỹ thuật số đang đồng hành với các cổ phiếu tăng trưởng. Chúng nhạy cảm với sự thay đổi lãi suất. Lãi suất cao hơn có nghĩa là thu nhập của công ty trong vài năm tới có giá trị thấp hơn hiện nay, điều này có thể dẫn đến việc định giá và giá cổ phiếu thấp hơn,” nhà phân tích Alex Kuptsikevich tại FxPro cho biết.
“Đồng thời, chúng ta không được quên rằng tiền kỹ thuật số biến động nhiều hơn, tức là chúng đôi khi mất giá gấp đôi hoặc gấp ba lần so với chỉ số Nasdaq. Nếu như vậy, thì tiền kỹ thuật số vẫn còn xa mức đáy, vì quá trình bình thường hóa lãi suất trên thị trường tài chính còn lâu mới hoàn thành,” ông Kuptsikevich nói thêm.
Một số nhà phân tích khác thì dự đoán rằng mối tương quan của Bitcoin với S&P 500 rồi sẽ giảm trong năm nay.
“Tương quan của Bitcoin với cổ phiếu sẽ không tăng trong năm nay, vì cổ phiếu chỉ cách mức cao kỷ lục vài điểm phần trăm, trong khi Bitcoin giảm khoảng 40%,” nhà phân tích Edward Moya tại Oanda nhận định. “Trọng tâm trong vài tháng tới sẽ là chu kỳ tăng lãi suất của FED, và tốc độ thu hẹp bảng cân đối kế toán. Điều này có thể tác động tiêu cực tới thị trường chứng khoán nhiều hơn so với Bitcoin.”
Ông Moya cũng cho rằng sự phục hồi kinh tế ở các quốc gia khác trong năm nay có thể dẫn đến việc đồng USD yếu hơn. Và việc đồng USD yếu hơn sẽ làm giảm áp lực lạm phát, hỗ trợ cho các tài sản được coi là rủi ro như tiền kỹ thuật số và cổ phiếu. Trong dài hạn, các yếu tố kinh tế sẽ tiếp tục ảnh hưởng đến giá tiền kỹ thuật số và giá cổ phiếu, đặc biệt là khi ngày càng nhiều nhà đầu tư truyền thống tiếp xúc với cả hai loại tài sản này.
“Điều khác biệt giữa đợt sụt giảm hiện tại với năm 2018 là có nhiều nguồn vốn bền vững hơn đã đổ vào thị trường trong năm ngoái. Điều này có nghĩa, Bitcoin có thể có mối tương quan lớn hơn với các thị trường truyền thống,” đối tác tại quỹ đầu cơ tiền kỹ thuật số Pantera Capital, Paul Veradittakit, cho biết trong một cuộc phỏng vấn của CoinDesk.
Theo coindesk