Đây là một tuần đầy rủi ro thăng trầm khi giới trader phải “nếm đủ” tất cả các sự kiện nóng sốt vừa qua, từ quả bom nổ chậm Evergrande của Trung Quốc cho đến việc đầu cơ theo chính sách tiền tệ của Fed.
Sau những diễn biến e sợ rủi ro trong tâm lý thị trường vào đầu tuần, đồng Dollar Canada là đồng tiền có cú bứt phá vượt trội nhất vào hôm thứ Sáu, nhiều khả năng là nhờ giá dầu tăng cao cũng như sau khi Fed có động thái làm tăng rủi ro trở lại.
Tin tức & dữ liệu kinh tế đáng chú ý:
- Giá tiền điện tử giảm mạnh vào ngày thứ Hai trong bối cảnh thị trường toàn cầu tràn ngập tâm lý bất an
- Vàng tăng vào hôm thứ Ba do mối lo về Evergrande chưa nguôi
- Ngân hàng Quốc gia Thụy Sĩ nối lại các biện pháp can thiệp trong quý hai trên quy mô nhỏ
- Chỉ số PMI sơ bộ của khu vực đồng tiền chung châu Âu cho thấy tốc độ tăng trưởng chậm hơn do tình hình tắc nghẽn nút thắt cổ chai kìm hãm các hoạt động kinh tế và thước đo giá đầu vào chạm mức cao nhất trong 21 năm qua
- Cục Dự trữ Liên bang Mỹ giữ nguyên lãi suất, cho biết sẽ “sớm” giảm bớt thu mua trái phiếu
- Giá dầu tăng hơn 1 USD sau khi lượng dự trữ dầu thô của Mỹ giảm mạnh
- Fed đang đánh giá kế hoạch tung ra một loại tiền kỹ thuật số và cách thức thực hiện, theo ông Powell
- Chủ tịch Evergrande cố gắng trấn an các nhà đầu tư về việc thanh toán lãi trái phiếu
- Ngân hàng trung ương Na Uy trở thành ngân hàng trung ương đầu tiên ở các nước phát triển thực hiện tăng lãi suất
- Ngân hàng trung ương Brazil tăng lãi suất, gợi ý sẽ tăng thêm một lần nữa vào tháng tới
- Thị trường chuyển sang kỳ vọng Ngân hàng Trung ương Anh tăng lãi suất vào đầu năm 2022
- Evergrande giữ im lặng về khoản thanh toán lãi trái phiếu trị giá 83 triệu USD, khiến các nhà đầu tư rơi vào tình trạng lấp lửng
- Bitcoin và ether trượt giá khi Trung Quốc ra sức đàn áp thị trường tiền điện tử
- Phong trào quay trở lại trường học ở Mỹ đã làm tăng số ca nhiễm Covid-19 ở các quận có tỷ lệ tiêm chủng thấp
- Dầu đạt mức giá cao nhất trong gần 3 năm qua do nguồn cung thắt chặt
Tin tóm tắt liên thị trường hàng tuần (20-24/09)
Diễn biến giá liên thị trường có phần khá đồng đều trong tuần này do giới trader chủ yếu giao dịch xuôi theo dòng tâm lý rủi ro chung. Trong tuần 20-24/09, xu hướng tâm lý đó chủ yếu bị ảnh hưởng bởi tình hình ở Trung Quốc với tâm điểm là cuộc khủng hoảng nợ của tập đoàn Evergrande. Nhiều người lo ngại rằng quả bom nổ chậm này có khả năng lan rộng ra thị trường tài chính chung và có thể đó là lý do tại sao các loại tài sản rủi ro như cổ phiếu và dầu giảm giá mạnh vào hôm thứ Hai, trong khi vàng, trái phiếu trái phiếu và USD lại tăng.
Diễn biến này tiếp tục kéo dài đến phiên giao dịch ngày thứ Tư, khi đó tâm lý rủi ro chung bỗng có chuyển biến, có khả năng là do xuất hiện nguồn tin ghi nhận rằng PBOC đã bơm thanh khoản đến 18,6 tỷ USD vào hệ thống ngân hàng để trấn an thị trường. Tuyên bố chính sách tiền tệ mới nhất từ Cục Dự trữ Liên bang Mỹ cũng được công bố vào hôm thứ Tư, với giọng điệu có phần nghiêng theo phe thắt chặt tiền tệ nhưng vẫn chưa nêu rõ lịch trình bắt đầu cắt giảm gói kích thích. Rất có thể hai câu chuyện này hòa quyện lại đã tạo nên yếu tố xúc tác làm thay đổi tâm lý rủi ro chung theo hướng tích cực trong phiên Châu Á vào hôm thứ Năm, khi đó hiệu suất tăng/giảm của các loại tài sản thay đổi ngược 180 độ so với những diễn biến vào hôm thứ Hai, tức là Dollar Mỹ, vàng và trái phiếu giảm trong khi chứng khoán, dầu và tiền điện tử tăng giá.
Và xét về thị trường tiền điện tử, thời gian vừa qua không khác gì một giai đoạn tăng giảm như tàu lượn siêu tốc. Các loại tiền crypto không chỉ giảm dựng đứng vào đầu tuần khi có bản tin về vụ Evergrande trước khi tăng bật lại sau cuộc họp của Fed, mà nhiều trader còn bị thua lỗ nặng hơn khi tâm lý chung chuyển sang nghi ngờ và sợ hãi vào hôm thứ Sáu khi có nhiều tin tức ghi nhận rằng Trung Quốc lại đàn áp thị trường tiền điện tử. Hiệu suất giữa các loại tiền điện tử tốp đầu đã có thay đổi vào cuối tuần, trong đó BTC (-8,50%) và ETH (-10,16%) giảm, và một số đồng Altcoin hàng đầu như LUNA, AVAX và HEX đều chốt phiên thứ Sáu trong sắc xanh.
Đối với các cặp tiền tệ chính (các cặp có USD góp mặt), diễn biến vừa qua cũng tương đối giống với xu hướng thường thấy mỗi khi tâm lý rủi ro chung trỗi dậy. Các đồng tiền trú ẩn an toàn (ví dụ như JPY, CHF và USD) đều có hiệu suất vượt trội hơn mặt bằng chung khi nỗi sợ dâng cao vào đầu tuần, nhưng sau đó diễn biến giá có một chút thay đổi sau tuyên bố của Fed vào hôm thứ Tư. Có vẻ như giới trader đã bắt đầu tập trung vào các câu chuyện liên quan cụ thể đến từng loại tiền tệ vào thời điểm này, chẳng hạn như các tuyên bố chính sách tiền tệ cấp tiến từ cả Ngân hàng Quốc gia Thụy Sĩ và Ngân hàng Trung ương Anh, cũng như một loạt dữ liệu PMI sản xuất sơ bộ từ khắp nơi trên thế giới.
Cuối cùng, đồng Dollar Canada đã chiếm vị trí đầu bảng, có lẽ không chỉ nhờ tâm lý rủi ro chung có xu hướng thay đổi theo chiều tích cực vào ngày thứ Tư, mà còn do giá dầu tăng khi dữ liệu cho thấy lượng dầu dự trữ tại Mỹ giảm. Cũng có khả năng giới trader đầu cơ theo suy đoán rằng Ngân hàng Trung ương Canada sẽ tăng lãi suất do dữ liệu của Canada vẫn tiếp tục có những kết quả cải thiện.
Theo babypips