Trong phiên giao dịch ngày 26/4, cặp AUD/USD giao dịch trong phạm vi hẹp và không thể bứt phá trên mốc 0,6795. Áp lực giá cả dai dẳng tại Australia cùng với những rủi ro từ thị trường tín dụng thắt chặt trên toàn cầu đã khiến cặp tiền tệ này suy yếu.

Nội dung bài viết
Bối cảnh cơ bản
Trong phiên giao dịch ngày 25/4, đồng dollar Australia đã suy giảm so với đồng dollar Mỹ, rồi sau đó phục hồi lại phần nào sau khi các dữ liệu vừa công bố cho thấy, áp lực giá cả tại Australia vẫn ở mức cao. Điều này càng củng cố thêm khả năng Ngân hàng Dự trữ Australia (RBA) tiếp tục thắt chặt chính sách tiền tệ hơn nữa.
Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Australia trong quý từ tháng 1 đến tháng 3 đã tăng 7% so với cùng kỳ năm ngoái, cao hơn mức dự báo 6,9% nhưng thấp hơn mức 7,8% của quý trước đó. Con số này vẫn cao hơn nhiều so với mức lạm phát mục tiêu 2 – 3% của RBA. Xét theo mức tăng hàng quý, CPI đã tăng 1,4% – cao hơn mức dự báo 1,3%, nhưng giảm đáng kể so với mức 1,9% trong quý trước. Việc lạm phát đang hạ nhiệt một cách chậm chạp về mức mục tiêu của RBA có thể cho thấy, hiện vẫn còn quá sớm để chấm dứt chu kỳ thắt chặt chính sách tiền tệ.

Thị trường hiện đang dự báo lãi suất tiền gửi của RBA vào tháng 8 tới sẽ ở mức 3,81% – cao hơn mức 3,6% hiện nay và mức dự báo 3,72% được đưa ra trước khi công bố báo cáo CPI.
RBA đã giữ nguyên lãi suất tại cuộc họp chính sách hồi đầu tháng này và cho biết, họ muốn có thêm thời gian để đánh giá tác động lan tỏa của các đợt tăng lãi suất trước đó lên toàn bộ nền kinh tế.
Biên bản cũng cho thấy, các thành viên hội đồng quản trị RBA đã cân nhắc trường hợp tăng lãi suất thêm 0,25 điểm % do lạm phát vẫn ở mức quá cao và thị trường lao động đang rất eo hẹp.
Đồng USD đã giảm giá vào phiên giao dịch vừa qua, do những dữ liệu kinh tế mới cho thấy sự sụt giảm trong nền kinh tế Mỹ. chỉ số US Dollar Index (DXY) đo lường biến động đồng bạc xanh với 6 đồng tiền chủ chốt (EUR, JPY, GBP, CAD, SEK, CHF) giảm 0,43%, xuống mốc 101,43.
Theo Bộ Thương mại Mỹ, các đơn đặt hàng mới đối với hàng hóa vốn sản xuất chính của Mỹ đã giảm nhiều hơn so với dự kiến vào tháng trước. Bên cạnh đó, các đơn đặt hàng chưa được thực hiện tiếp tục giảm đều đặn. Có thể thấy, lĩnh vực sản xuất, chiếm 11,3% nền kinh tế Mỹ, đang quay cuồng với chiến dịch tăng lãi suất nhanh nhất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) trong bốn thập kỷ. Fed dự kiến sẽ tăng lãi suất thêm 25 điểm cơ bản khi các nhà hoạch định chính sách kết thúc cuộc họp kéo dài hai ngày vào ngày 3-5, và sau đó có khả năng sẽ tạm dừng chiến dịch tăng lãi suất.
Phân tích kĩ thuật cặp AUD/USD

Chỉ số Bất ngờ Kinh tế cho thấy các dữ liệu kinh tế vĩ mô của Australia đã phải đối mặt với một số áp lực trong những tuần gần đây. Thị trường việc làm bị thắt chặt với tỷ lệ thất nghiệp dao động quanh mức thấp nhất trong 5 thập kỷ, nhưng các dấu hiệu điều tiết trên thị trường lao động đang xuất hiện. Các diễn biến ở nước ngoài (bao gồm rủi ro suy thoái ở Mỹ và thị trường tín dụng thắt chặt do căng thẳng trong lĩnh vực ngân hàng) càng làm gia tăng rủi ro suy giảm đối với triển vọng của cặp tiền tệ.

Trên các biểu đồ kỹ thuật, AUD/USD gần đây đã ổn định trong một phạm vi hẹp, với xu hướng giảm được đánh dấu ở mức thấp nhất trong tháng 3 là 0,6550, trong khi mức đỉnh được giới hạn ở bên dưới mức trần xung quanh đường trung bình động 89 ngày, gần trùng với mức cao của đầu tháng 4 là 0,6795. Mặt khác, cặp tỷ giá có mức hỗ trợ tức thời tại ngưỡng 0,6625. AUD/USD cần phải vượt qua mép trên của phạm vi dao động hiện nay, để triển vọng của cặp tiền tệ trở nên tích cực hơn.
Về mặt tích cực, dữ liệu vĩ mô của Trung Quốc đã cao hơn kỳ vọng trong những tuần gần đây, khiến các nhà phân tích nâng cấp triển vọng về nền kinh tế lớn thứ hai thế giới trong năm 2023. Do Trung Quốc là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Australia, nên bất kỳ cải thiện nào về triển vọng tăng trưởng của Trung Quốc đều có thể thúc đẩy tăng trưởng của Australia. Tóm lại, trừ khi khẩu vị rủi ro giảm xuống, từ góc độ vĩ mô, có thể thấy mọi thứ hiện tại dường như đang khá cân bằng đối với AUD/USD.