Thị trường chứng khoán (TTCK) Mỹ tăng điểm vào hôm thứ Tư, quay đầu trở lại trong sắc xanh sau một phiên buổi sáng sụt giảm trên diện rộng ở khắp các nhóm ngành. Chỉ số Bình quân Công nghiệp Dow Jones giảm tới 460 điểm vào buổi sáng trước khi tăng lại vào buổi chiều và kết thúc phiên tăng hơn 100 điểm.
Giới đầu tư chứng khoán gần đây đã trải qua một giai đoạn khá bấp bênh khi giá năng lượng tăng vọt và lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ nhìn chung cũng đã tăng cao hơn. Thị trường mở cửa ở mức thấp hơn, có vẻ như sẵn sàng phá vỡ đà bật tăng phục hồi của ngày thứ Ba. Tuy nhiên, trong những giờ tiếp theo, TTCK đã tăng cao hơn, trong đó cổ phiếu của các công ty tiện ích, bất động sản và hàng tiêu dùng thiết yếu nằm trong nhóm chứng khoán thuộc chỉ số S&P 500 đạt được hiệu suất tốt nhất.
Chỉ số S&P 500 tăng 17,83 điểm, tương đương 0,4% lên 4363,55. Chỉ số Dow Jones tăng 102,32 điểm, tương đương 0,3% lên 34416,99. Chỉ số công nghệ Nasdaq Composite tăng 68,08 điểm, tương đương 0,5%, lên 14501,91.
Việc TTCK dao động thăng trầm giữa hai vùng lãi và lỗ cũng không phải là hiện tượng hiếm thấy. Trên thực tế, hầu hết những đợt sóng tăng lớn của thị trường chứng khoán trong năm nay đều xuất phát từ những bước sụt giảm đáng kể, theo phân tích của Frank Cappelleri, một chuyên gia chiến lược tại Instinet. Các cổ phiếu mất giá vào hồi đầu tuần, để rồi các chỉ số chính tăng vào ngày hôm sau, giúp chỉ số S&P 500 lần thứ 25 tăng ít nhất 1% trong năm nay.
Ông Cappelleri nói thêm rằng ông sẽ không ngạc nhiên khi TTCK trở nên gập ghềnh trong quý cuối cùng của năm.
Các nhà đầu tư hiện đang cân nhắc trước nhiều vấn đề. Giá dầu và khí đốt đã tăng vọt, và đây là điều mà một số nhà phân tích lo ngại rằng có thể tiếp tục thúc đẩy lạm phát. Trong khi đó, giới đầu tư đã phải đối mặt với tình trạng gia tăng lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ, mà hiện tượng này có thể làm mất giá các cổ phiếu công nghệ vì mức lợi nhuận trong tương lai của nhóm ngành công nghệ thường sẽ có giá trị thấp hơn khi lãi suất vốn đang thấp bất chợt tăng lên.
Giới phân tích nhận định rằng việc giá dầu và khí đốt tăng cao hơn có khả năng sẽ làm chậm nền kinh tế thế giới khi tất cả bắt đầu phục hồi sau giai đoạn đóng cửa.
Tin tức cập nhật về khối doanh nghiệp cũng đã thúc đẩy biến động giá ở các mã cổ phiếu riêng lẻ vào hôm thứ Tư.
Cổ phiếu American Airlines giảm 93 cent, tương đương 4,3%, xuống 20,54 USD và JetBlue Airways giảm 43 cent, tương đương 2,7%, xuống 15,69 USD sau khi các nhà phân tích của Goldman Sachs hạ bậc xếp hạng đối với cả hai cổ phiếu này với lý do rằng chi phí nhiên liệu và tình trạng hãm tốc tăng trưởng kinh tế sẽ bào mòn mất lợi nhuận của các hãng hàng không.
Các hãng hàng không khác cũng sụt giảm, cụ thể Delta Air Lines giảm 72 cent, tương đương 1,6% xuống 44,02 USD và United Airlines giảm 66 cent, tương đương 1,3% xuống 50,22 USD.
Trong khi đó, Palantir Technologies đã tăng 37 cent, tương đương 1,6% lên 23,58 USD sau khi công ty này cho biết họ đã giành được hợp đồng phân tích và dữ liệu với Quân đội Hoa Kỳ.
Cổ phiếu PepsiCo tăng 3,87 USD, tương đương 2,6%, lên 154,96 USD, kéo dài đà tăng sau khi nâng mức mục tiêu trong kế hoạch kinh doanh cả năm vào hôm thứ Ba.
Lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ thay đổi khá ít vào hôm thứ Tư, mặc dù vẫn dao động ở gần mức đỉnh gần đây.
Lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ kỳ hạn 10 năm đứng ở mức 1,524%, so với mức 1,528% vào hôm thứ Ba. Lợi suất tăng khi giá trái phiếu giảm.
Ở các khu vực khác trên quốc tế, thị trường chứng khoán cũng đã giảm điểm .
Chỉ số Stoxx Europe 600 giảm 1%, bị ghì xuống bởi cổ phiếu của các công ty du lịch, giải trí và bán lẻ. Hãng sản xuất máy bay Airbus và tập đoàn chủ quản Stellantis của Jeep lần lượt giảm 1,3% và 3,3%.
Chỉ số Hang Seng của Hồng Kông giảm 0,6% xuống mức thấp nhất kể từ tháng 10/2020.
Trên thị trường hàng hóa, giá khí đốt tự nhiên tăng mạnh. Giá dầu giảm nhưng vẫn nằm gần các mức đỉnh trên khung biểu đồ theo năm.
Nick Boyes, nhà phân tích cấp cao của công ty sản xuất và kinh doanh năng lượng Thụy Sĩ Axpo, cho biết những thông tin dự báo về việc thời tiết sẽ trở nên lạnh hơn và việc Nga sẽ cung ứng ít khí đốt đã gây ra đợt biến động gần đây nhất đối với giá khí đốt tự nhiên. Khối lượng giao dịch thấp cũng là một nguyên nhân, theo giới giao dịch và phân tích, vì một số công ty bị gọi ký quỹ (giải chấp) và những công ty khác thì bị vượt hạn mức tín dụng.
Hợp đồng dầu West Texas Intermediate chuẩn Mỹ giảm 1,9% xuống 77,43 USD/thùng, chấm dứt chuỗi tăng 4 phiên liên tiếp và lùi xa khỏi mốc 80 USD/thùng. Tính theo nến ngày, giá dầu WTI đã không vượt quá mức 80 USD/thùng kể từ tháng 11/2014.
Biến động giá năng lượng cũng lan rộng sang thị trường trái phiếu chính phủ ở các nước châu Âu. Lợi suất trái phiếu chính phủ Anh kỳ hạn 10 năm có lúc tăng cao tới 1,152% so với mức 1,093% vào hôm thứ Ba trước khi giảm trở lại. Vương quốc Anh đang bị ảnh hưởng nặng nề bởi tình trạng thiếu khí đốt toàn cầu vì nước này có lượng nhiên liệu dự trữ rất thấp.
Nhóm cổ phiếu công nghệ là một trong những đầu tàu lớn nhất kéo thị trường đi lên trong vài năm qua. Đợt sụt giảm của nhóm này vào cuối quý thứ ba đã góp phần tăng thêm cảm giác bất an cho một số nhà đầu tư và nhà phân tích, từ đó dấy lên nghi vấn rằng làm sao thị trường có thể duy trì vị thế trong những tháng cuối năm 2021.
“Đến lúc nào thì các ngân hàng trung ương mới có động thái điều chỉnh chính sách sau hai năm dài đằng đẵng qua?” giám đốc chiến lược ngoại hối Jane Foley tại Rabobank đặt vấn đề. Câu hỏi của bà nhằm ám chỉ đến Ngân hàng Trung ương Anh trong khi nhà băng này cho biết họ có thể tăng lãi suất trong những tháng tới khi tốc độ lạm phát giá năng lượng tăng cao.