Sau dữ liệu việc làm tháng 10 và thông báo thực hiện cắt giảm chương trình mua trái phiếu của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED), thị trường vàng cuối cùng cũng chuyển động.
Trong phiên giao dịch cuối tuần trước (5/11), vàng đã tăng 25 USD trong phiên khi thị trường bắt đầu dự đoán rằng FED sẽ kiên nhẫn hơn trong tương lai. Giá vàng kỳ hạn tháng 12 ở mức 1.818,60 USD, tăng 1,40% trong ngày.
Mặc dù bắt đầu giảm dần chương trình mua trái phiếu trong tháng này, Chủ tịch FED Jerome Powell thừa nhận rằng vấn đề lạm phát vẫn không chắc chắn, đồng thời nhấn mạnh rằng vẫn còn quá sớm để bắt đầu tăng lãi suất.
“Biến động trong ngày của vàng đang gia tăng. Thị trường đang cố gắng tìm hiểu xem FED có thái độ cứng rắn như thế nào với các chính sách tài khóa của mình,” Everett Millman, chuyên gia kim loại quý của Gainesville Coins nói. “Những bình luận của ông Powell đã để lại nhiều khoảng trống để luôn có thể quay trở lại thực thi các chính sách cứng rắn hơn. Ngân hàng trung ương có nhiều khả năng sẽ chưa vội thắt chặt chính sách hỗ trợ nền kinh tế. Đây là điều tích cực đối với vàng. FED có thể sẽ đợi thêm trước khi tăng lãi suất, hoặc thậm chí có thể ngừng chương trình thu hẹp QE.”
Về mặt dữ liệu kinh tế, vàng tăng giá bất chấp nền kinh tế Mỹ có thêm 531.000 việc làm, và tỷ lệ thất nghiệp giảm xuống 4,6% trong tháng 10.
Theo ông Bart Melek, giám đốc chiến lược toàn cầu của TD Securities, nguyên nhân dẫn tới tình trạng này là do tỷ lệ tham gia của lực lượng lao động không thay đổi, vẫn ở mức 61,6%.
“Về cơ bản, điều này có nghĩa là sự tham gia của lực lượng lao động vẫn còn ở mức thấp và còn rất xa mới đạt tới trạng thái toàn dụng lao động”, ông Melek nói. “Đó là lý do tại sao các thị trường không nghiêng về khả năng FED sắp thắt chặt chính sách. Thêm vào đó, người ta nghi ngờ về khả năng tốc độ tăng trưởng việc làm mạnh mẽ sẽ tiếp tục trong sáu tháng hoặc một năm tới.”
Với thông báo có phần ôn hòa của FED và dữ liệu việc làm như hiện tại, việc tăng lãi suất dự kiến sẽ diễn ra vào tháng 6 có vẻ không mấy khả thi.
“FED sẽ duy trì chính sách tiền tệ khá mềm mỏng trong một thời gian dài, bởi vì chúng ta còn xa tới đạt tới mức toàn dụng lao động,” ông Meleck cho biết thêm. “Quan điểm của FED là giữ cho nền kinh tế sôi động sẽ kích hoạt việc người lao động tiếp tục tham gia thị trường. FED sẽ cần phải đảo ngược tình trạng bỏ việc hàng loạt hiện nay.”
Ông Millman cũng nói thêm rằng, việc dữ liệu việc làm tích cực không ảnh hưởng đến vàng là một dấu hiệu cho thấy thị trường dự đoán ngân hàng trung ương sẽ tiếp tục kiên nhẫn với tình hình hiện tại. “Vàng, đồng USD, và lợi suất trái phiếu đang di chuyển cùng chiều. Điều này là bất thường, nhưng đó là phản ứng trú ẩn an toàn trong trường hợp FED không thể tăng lãi suất”, ông nói.
Nội dung bài viết
Các mức kỹ thuật
Theo ông Melek, thị trường có thể chứng kiến một số hành động chốt lời khi vàng vượt trên ngưỡng 1.800 USD/ounce. “Mức 1.809 USD là ngưỡng kháng cự khá chắc chắn. Một khi vượt qua mức đó, vàng có thể tăng cao hơn”. Trong khi đó mức 1.786 USD tiếp tục đóng vai trò là ngưỡng hỗ trợ.
Nếu vượt trên 1.800 USD, vàng có thể chứng kiến mức tăng 50 USD trong tuần này, ông Millman lưu ý. “Các thị trường quan trọng khác cần theo dõi là đồng USD và thị trường trái phiếu. Nếu cả hai thị trường này đều ổn định, vàng sẽ tiếp tục bị mắc kẹt trong phạm vi của nó. Nếu nhu cầu đối với đồng USD và trái phiếu gia tăng, điều đó báo hiệu có sự gia tăng nhu cầu trú ẩn an toàn và vàng sẽ tăng theo”, ông nói thêm.
Việc thị trường có khả năng cho rằng FED đang mắc sai lầm về chính sách cũng có lợi cho vàng.
“Có khả năng nền kinh tế không thể xử lý việc bình thường hóa chính sách tiền tệ. Nó có thể báo hiệu rằng FED đang mắc sai lầm trong chính sách. Đồng USD Mỹ, lợi suất trái phiếu và giá vàng di chuyển theo cùng một hướng phản ánh cách thị trường nhìn nhận về việc FED đang thực hiện công việc của mình. Cả ba loại tài sản này đều được coi là nơi trú ẩn an toàn.”
Dữ liệu quan trọng
Một trong những dữ liệu kinh tế quan trọng đang được mong chờ là chỉ số lạm phát, sự kiến được công bố vào thứ tư (10/11). Thị trường trông đợi CPI tháng 10 ở mức 5,8%.
“Chi phí nhà ở, chi phí lao động, chi phí năng lượng và giá ô tô cũ tăng cao có khả năng khiến lạm phát tháng 12 tăng vọt lên trên 6%, với lạm phát lõi trên 5%”, giám đốc kinh tế James Knightley của ING cho biết. “FED cho rằng lạm phát sẽ giảm mạnh trong Quý 2 và Quý 3 năm sau, nhưng chúng tôi lo ngại rằng tình trạng thiếu hụt lao động, tắc nghẽn sản xuất và các vấn đề về chuỗi cung ứng có thể kéo dài trong năm tới.”
Các thị trường cũng sẽ theo dõi Chỉ số giá sản xuất (PPI) vào thứ ba (9/11) và các dữ liệu về tình trạng thất nghiệp vào thứ tư (10/11).