Giá vàng thế giới đã chạm mức cao nhất hai tháng trong phiên giao dịch này 8/11. Giá vàng đi lên khi đồng USD suy yếu và lo ngại lạm phát tiếp tục kéo dài, sau khi các ngân hàng trung ương chủ chốt cho biết lãi suất sẽ vẫn ở mức thấp trong thời gian tới.
Khép phiên, giá vàng giao ngay tăng 0,5% lên 1.825,64 USD/ounce, mức cao nhất kể từ ngày 7/9, ghi dấu phiên tăng thứ ba liên tiếp. Trong khi đó, giá vàng giao dịch kỳ hạn của Mỹ tăng hơn 0,6% lên 1.828 USD/ounce.
Lợi suất thực của trái phiếu Mỹ đã giảm mạnh vào tuần trước đó và tiếp tục giảm vào thứ Hai (8/11). Lợi suất trái phiếu ngừa lạm phát (TIPS) kỳ hạn 10 năm giảm khoảng 2 điểm cơ bản (bps) trong phiên và quay trở lại dưới -1,10%. Vàng có mối tương quan nghịch với lợi suất thực. Lợi suất thực giảm làm giảm chi phí cơ hội của việc nắm giữ kim loại quý không sinh lời như vàng. Điều này thúc đẩy sự hấp dẫn của kim loại quý. Việc thị trường đoán định lạm phát sẽ tiếp tục tăng cao hơn cũng là nhân tố hỗ trợ cho vàng – vốn là loại tài sản phòng ngừa lạm phát. Kỳ vọng lạm phát 10 năm của Mỹ tăng khoảng 6bps lên 2,58% vào thứ Hai (8/11). Điều này báo hiệu rằng khả năng lạm phát quay trở lại mức cao nhất trong nhiều thập kỷ ở gần 2,7% là hoàn toàn có thể xảy ra.
Đồng USD suy yếu cũng hỗ trợ cho giá vàng giao ngay. Chỉ số USD Index đã giảm khoảng 0,3% trong phiên ngày thứ Hai (8/11), quay trở kiểm định ngưỡng 94,00. Đồng USD yếu hơn khiến vàng giao ngay rẻ hơn cho người mua toàn cầu, do đó làm tăng nhu cầu mua vàng.
Trong phiên họp đầu tháng của Ủy ban thị trường mở Liên bang (FOMC), phó chủ tịch Richard Clarida đã có bài phát biểu với giọng điệu ôn hòa hơn mong đợi. Ông cho biết các điều kiện để tăng lãi suất có thể được đáp ứng vào cuối năm 2022, và FED vẫn còn một khoảng thời gian để xem xét việc nâng lãi suất. Thị trường lãi suất ngắn hạn USD (STIR) hiện đang định vị cho đợt tăng vào tháng 9/2022. Do đó nhận xét của ông Clarida có thể được hiểu là phản ứng ôn hòa với sự định giá của thị trường. Điều này có thể đã góp phần khiến USD suy yếu hôm 8/11, nhờ đó hỗ trợ cho đà tăng của vàng.
Jim Wyckoff, nhà phân tích cấp cao tại Kitco Metals nhận định, giới đầu tư đang đổ nhiều tiền hơn vào thị trường vàng và bạc như một biện pháp phòng ngừa lạm phát.
Giá vàng đã tăng gần 2% vào cuối tuần trước, sau khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ và Ngân hàng Trung ương Anh trì hoãn kế hoạch tăng lãi suất.
Với tư cách tài sản trú ẩn an toàn, vàng đã được hưởng lợi từ môi trường lãi suất cực thấp để thúc đẩy tăng trưởng trong thời kỳ đại dịch. Lãi suất thấp khiến chi phí cơ hội của việc nắm giữ vàng giảm đi.
Tuy nhiên, mối lo ngại về khả năng các ngân hàng trung ương bắt đầu thắt chặt chính sách tiền tệ để chống lạm phát đã khiến các nhà đầu tư chú ý đến số liệu kinh tế.
Sự thắt chặt của thị trường lao động kết hợp với sự bất ổn trong chuỗi cung ứng toàn cầu có thể dẫn đến việc giá tiêu dùng của Mỹ tiếp tục tăng cao trong dữ liệu dự kiến được công bố vào thứ Tư (10/11).
“Dữ liệu ngày thứ Tư có khả năng tác động tích cực tới giá vàng, vì lạm phát có thể sẽ đạt mức tăng nhanh nhất kể từ năm 1990”, Sugandha Sachdeva, phó chủ tịch nghiên cứu hàng hóa và tiền tệ tại Religare Broking cho biết.
Trong một diễn biến có liên quan, các Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất, một trong những trung tâm giao dịch vàng lớn nhất thế giới, mới đây cho biết sẽ yêu cầu tất cả các nhà máy luyện vàng phải trải qua các đợt kiểm tra định kì hàng năm để đảm bảo nguồn cung của họ là hợp lệ. Đây là một trong những nỗ lực chống buôn bán bất hợp pháp trên thị trường này.
Trên những thị trường kim loại quý khác, giá bạc giao ngay tăng 1,2% lên 24,45 USD/ounce. Bạch kim tăng 2,3% lên 1,057,75 USD và palladium tăng 1,7% lên 2.069,10 USD.