Trong phiên giao dịch sáng ngày 27 tháng 12, giá dầu biến động trái chiều sau khi kết thúc kỳ nghỉ lễ Giáng sinh. Cụ thể, giá dầu Brent tăng trong khi giá dầu thô kỳ hạn WTI của Mỹ giảm sau khi các hãng hàng không phải tạm ngừng hàng nghìn chuyến bay tại Mỹ trong kỳ nghỉ lễ vừa rồi do số ca nhiễm COVID-19 gia tăng.
Dầu thô kỳ hạn WTI của Mỹ giảm 41 xu, tương đương 0,6%, xuống 73,38 USD/thùng vào lúc 07h53 theo giờ Việt Nam. Thứ sáu thị trường đóng cửa nghỉ lễ dịp Giáng sinh.
Dầu thô Brent tăng 40 xu, tương đương 0,5% lên 76,54 USD / thùng.
Tính trung bình tuần, cả hai hợp đồng đã tăng 3% đến 4% vào tuần trước sau khi dữ liệu ban đầu cho thấy biến thể Omicron có thể gây ra triệu chứng bệnh nhẹ hơn so với Delta.
Tuy nhiên, biến thể có khả năng lây truyền cao dẫn tới số ca nhiễm mới COVID-19 tăng đột biến trên toàn thế giới.
Trong ba ngày qua, hàng nghìn hành khách đi du lịch trong dịp Giáng sinh đã bị mắc kẹt sau khi các hãng hàng không Mỹ hủy chuyến bay. Ngành hàng không hiện đang thiếu nhân viên làm việc do số người bị nhiễm COVID 19 tăng lên, buộc phải cách ly.
Tại châu Âu, giá khí đốt tự nhiên đã chạm mức cao kỷ lục trong tuần trước do nguồn cung thắt chặt, hỗ trợ giá dầu thô Brent.
Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm thứ Sáu nhận định rằng Liên minh châu Âu chỉ có thể đổ lỗi cho các chính sách của chính mình khi giá khí đốt tăng kỷ lục, đồng thời cho rằng một số thành viên của khối đã bán lại khí đốt giá rẻ của Nga với giá cao hơn nhiều.
Sắp tới, các nhà đầu tư đang tập trung sự chú ý vào cuộc họp tiếp theo của OPEC+ vào ngày 4 tháng 1.
Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ OPEC và các đồng minh, gọi là OPEC+ sẽ họp để quyết định có tiếp tục tăng sản lượng 400.000 thùng / ngày (bpd) vào tháng Hai hay không.
Nga tin rằng giá dầu khó có thể thay đổi trong năm tới với nhu cầu chỉ phục hồi về mức trước đại dịch vào cuối năm 2022, nhận định từ Phó Thủ tướng Alexander Novak.
Có thể thấy, sau đà phục hồi của nhu cầu dầu và khí đốt vào năm 2021, thị trường hướng đến năm 2022 với những bất ổn mới về giá cả, nhu cầu và triển vọng trong dài hạn của ngành khi các trường hợp nhiễm biến thể Omicron tăng đột biến. Trong khi đó, các nhà đầu tư tiếp tục thúc giục các công ty đẩy nhanh quá trình trung hoà carbon. Liệu nhu cầu dầu khí có tiếp tục phục hồi và việc xây dựng thêm nhiều cơ sở sản xuất năng lượng sạch trong năm tới? Hay những rủi ro đang rình rập sẽ trở thành hiện thực và cản trở việc triển khai năng lượng xanh và làm phục hồi nhu cầu dầu khí toàn cầu?
Càng gần đến cuối năm 2021, triển vọng năm 2022 càng trở nên không chắc chắn do sự xuất hiện và lây lan nhanh của Omicron, khiến nhiều quốc gia ở châu Âu phải tái áp đặt lệnh phong toả và hạn chế đi lại.
Vương quốc Anh cũng không loại trừ sẽ sử dụng các biện pháp nghiêm ngặt hơn, và nhiều quốc gia khác ở lục địa già cũng đang thắt chặt các hạn chế đi lại.