Trong phiên giao dịch ngày 2 tháng 3, giá dầu tăng lên do các lệnh trừng phạt đối với các ngân hàng Nga sau khi tấn công vào Ukraine, gây cản trở tài trợ thương mại cho các lô hàng dầu thô. Do đó, một số doanh nghiệp đã lựa chọn tránh nguồn cung của Nga trong một thị trường vốn đã eo hẹp.
Dầu thô Brent giao sau tăng 3,55 USD, tương đương 3,4%, lên 108,52 USD / thùng lúc 08h35 giờ Việt Nam. Đây là mức cao nhất kể từ tháng 7/2014.
Giá dầu thô kỳ hạn WTI của Mỹ tăng 3,75 USD, tương đương 3,6%, lên 107,16 USD, sau khi đạt đỉnh 107,55 USD trong đầu phiên giao dịch. Dầu WTI cũng ghi nhận mức cao nhất kể từ ngày 28 tháng 7 năm 2014.
Nhà kinh tế Justin Smirk của Westpac cho biết: “Sự gián đoạn các hoạt động thương mại đang bắt đầu thu hút sự chú ý của mọi người. Các vấn đề xung quanh tài chính thương mại và bảo hiểm – tất cả đều ảnh hưởng đến xuất khẩu từ Biển Đen. Thị trường đang phải đón nhận những cú sốc từ nguồn cung.”
Xuất khẩu dầu của Nga chiếm khoảng 8% nguồn cung toàn cầu.
Trong khi các cường quốc phương Tây không trực tiếp áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với xuất khẩu năng lượng, các doanh nghiệp Mỹ ở trung tâm tài chính tại New York và Vùng Vịnh đang rời xa nguồn dầu thô của Nga.
Một thương nhân ở Cảng New York chia sẻ, “Mọi người không tính đến việc mua dầu của Nga. Dù bạn nhìn thấy một số thùng đang có sẵn đây nhưng chúng đã được mua trước khi cuộc tấn công xảy ra. Do đó, về sau hàng hoá sẽ càng khan hiếm.”
Việc phối hợp giải phóng 60 triệu thùng dầu của các nước thành viên Cơ quan Năng lượng Quốc tế IEA, đóng vai trò quan trọng đối với đà tăng của thị trường. Tuy nhiên, giới phân tích cho rằng điều đó sẽ chỉ giúp giảm tạm thời về nguồn cung.
Động thái này đã giúp hạn chế đà tăng, nhưng nếu muốn giá giảm thì thị trường cần những giải pháp bền vững hơn.
IEA cho biết, các kho dự trữ dầu thương mại đang ở mức thấp nhất kể từ năm 2014.
Trong bối cảnh đó, Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ, Nga và các đồng minh, được gọi là OPEC+, sẽ nhóm họp vào thứ Tư, dự kiến sẽ bám vào kế hoạch cung cấp thêm 400.000 thùng mỗi ngày, mỗi tháng.
Dữ liệu mới nhất từ nhóm công nghiệp của Viện Dầu mỏ Mỹ cho thấy kho dự trữ dầu thô của Mỹ giảm 6,1 triệu thùng trong tuần kết thúc vào ngày 25/2.
Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ sẽ công bố dữ liệu hàng tuần vào thứ Tư. Theo thăm dò từ các nhà phân tích, dự kiến tồn kho dầu thô sẽ tăng 2,7 triệu thùng.
Một báo cáo riêng cho thấy trong tháng 1, OPEC+ đã sản xuất ít hơn 972.000 thùng / ngày so với mục tiêu đã thống nhất.
Ông Hynes của ANZ cho biết: “Thị trường quá eo hẹp cùng với việc các nhà sản xuất OPEC cũng đang gặp khó khăn trong việc nâng cao sản lượng, do đó, bất kỳ đe doạ nào từ nguồn cung của Nga cũng sẽ ảnh hưởng đáng kể đối với toàn thị trường”.
Tuần trước, Tổng thống Biden đã đàm phán với các nước tiêu thụ dầu lớn để cùng giải phóng dầu từ kho dự trữ dầu thô chiến lược của mình, nhằm hạ nhiệt giá dầu.
Phil Flynn, nhà phân tích cấp cao của Price Futures Group ở Chicago nhận định, “Hiển nhiên, tin tức về việc giải phóng kho dự trữ dầu thô là yếu tố tiêu cực đói với thị trường dầu thô, nhưng sự không chắc chắn cho tới thời điểm hiện tại lại đang giúp giá dầu đi lên.”
>>>Xem thêm: AUD/USD: nhịp phục hồi đẩy giá lên chạm mức 0,6900