Giá vàng tại thị trường châu Á đi lên trong phiên giao dịch 19/1, khi các nhà đầu tư cân nhắc khả năng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) sẽ giảm tốc độ tăng lãi suất và chờ đợi dữ liệu kinh tế Mỹ được công bố.

Phiên này, giá vàng giao ngay tăng 0,3% lên 1.908,54 USD/ounce. Giá vàng giao kỳ hạn của Mỹ tăng 0,2% lên 1.909,90 USD/ounce.
Đồng USD trượt giá trong phiên giao dịch vừa qua sau khi một loạt dữ liệu tiếp tục cho thấy nền kinh tế Mỹ đang chậm lại sau nhiều lần tăng lãi suất “khủng” từ Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), trong bối cảnh thị trường dự đoán việc thắt chặt chính sách sẽ tạm dừng trong năm nay. Đồng yên Nhật tăng giá so với đồng USD khi các nhà giao dịch tiếp tục đặt cược rằng Ngân hàng trung ương Nhật Bản (BOJ) sẽ thay đổi chính sách tiền tệ “lỏng lẻo” trước đây.
Theo đó, đồng USD giảm 0,4% so với đồng yên Nhật, xuống mức 128,475 yên. “Sự phục hồi của đồng yên đã phản ánh thực tế là những người tham gia thị trường vẫn đang suy đoán về một sự thay đổi trong chính sách của BOJ”, Carol Kong, Chiến lược gia tiền tệ tại Commonwealth Bank of Australia nhận định.
Ngày 18/1, một số quan chức FED đã báo hiệu rằng họ sẽ tiếp tục tăng lãi suất, trong khi Chủ tịch chi nhánh FED tại Philadelphia Patrick Harker và Chủ tịch chi nhánh FED tại Dallas Lorie Logan cho biết họ ủng hộ việc giảm tốc chính sách thắt chặt tiền tệ.
Giới đầu tư chủ yếu dự đoán về việc Fed sẽ tăng lãi suất 0,25 điểm phần trăm tại cuộc họp diễn ra từ ngày 31/1- 1/2 tới. Năm 2022, ngân hàng này đã hạ mức tăng lãi suất xuống 0,5 điểm phần trăm vào tháng 12, sau 4 lần liên tiếp tăng 0,75 điểm phần trăm.
Theo Matt Simpson, nhà phân tích thị trường cấp cao tại công ty dịch vụ tài chính City Index (Anh), thị trường nhiều khả năng vẫn chứng kiến mức tăng lãi suất 0,25 điểm phần trăm trong tháng 2 và FED có thể cắt giảm lãi suất từ tháng 9. Thái độ bớt “cứng rắn” của FED đang giúp vàng được hưởng lợi, bởi lãi suất thấp hơn làm làm giảm chi phí cơ hội của việc nắm giữ tài sản không sinh lời.
Dữ liệu công bố hôm 19-1 cho thấy, tổng số nhà ở tại Mỹ bắt đầu giảm 1,4%, xuống mức 1,382 triệu căn vào tháng trước. Giấy phép xây dựng cũng giảm, với mức giảm 1,6%, xuống mốc 1,330 triệu đơn vị. Trong khi đó, hoạt động sản xuất ở khu vực Trung Đại Tây Dương cũng đã giảm trở lại vào tháng Giêng.
Doanh số bán lẻ của Mỹ cũng đã giảm mạnh nhất trong một năm vào tháng 12, trong khi giá sản xuất giảm hơn dự kiến cùng tháng, cung cấp thêm bằng chứng cho thấy lạm phát đang giảm.
“Nếu vàng có thể giữ trên mức 1.895 USD/ounce, thì giá có thể lên phạm vi 1.900 – 1.920 USD/ounce, trong khi nếu giá kim loại quý này phá vỡ mốc 1.895 USD/ounce báo hiệu sự thoái lui của xu hướng tăng”, ông Simpson đánh giá.
Trong khi đó, người sáng lập và nhà kinh tế trưởng David Rosenberg tại Rosenberg Research cho rằng, nhu cầu đầu tư vào vàng sẽ đẩy giá lên mức cao nhất mọi thời đại trên 2.000 USD vào năm 2023 khi nền kinh tế Mỹ rơi vào suy thoái.
Ông cho rằng, mặc dù lạm phát đã giảm so với mức ghi nhận vào mùa hè năm 2022, nhưng nó vẫn sẽ ở mức cao. Chuyên gia này nói rằng việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) cố gắng đưa lạm phát trở lại mục tiêu 2% có nghĩa là cơ quan này sẽ chậm phản ứng với sự suy yếu của nền kinh tế.