Trên thị trường kim loại quý chiều thứ Tư (26/10), vàng tăng giá khi đồng USD và lợi tức kho bạc Mỹ giảm trong bối cảnh kỳ vọng rằng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ Fed có thể báo hiệu việc nới lỏng chính sách thắt chặt kinh tế.
Vào lúc 13 giờ 44 phút theo giờ Việt Nam, giá vàng giao ngay tăng 0,7% lên 1.663,26 USD/ounce, trong khi vàng giao kì hạn của Mỹ tăng 0,6% lên 1.667,10 USD.
Chiến lược gia thị trường Yeap Jun Rong của IG cho biết: “Giá vàng đang nằm trong xu hướng giảm. Khả năng tăng mạnh trong ngắn hạn có thể xuất hiện nếu bất kỳ dấu hiệu giảm lãi suất nào được đưa ra từ Fed”.
Lợi tức trên trái phiếu kho bạc kỳ hạn 10 năm giảm do dữ liệu suy yếu của Mỹ thúc đẩy suy đoán về một Fed ít “diều hâu” hơn, trong khi chỉ số USD index chạm mức thấp nhất kể từ ngày 5 tháng 10, làm tăng sức hút của vàng đối với những người nắm giữ các loại tiền tệ khác.
Dữ liệu hôm thứ Ba cho thấy niềm tin của người tiêu dùng Mỹ đã giảm xuống trong tháng 10, giá nhà giảm mạnh trong tháng 8 và nhiều dấu hiệu cho thấy lập trường tích cực của Fed đang bắt đầu hạ nhiệt thị trường lao động.
Mặc dù Fed vẫn được cho là sẽ đưa ra một đợt tăng lãi suất 75 điểm cơ bản vào tháng 11, nhưng nhiều khả năng Fed cũng sẽ bàn luận về việc tăng chi phí đi vay lên một mức an toàn.
Christopher Wong, một chiến lược gia tiền tệ tại OCBC, cho biết: “Việc điều chỉnh tốc độ thắt chặt của Fed có thể làm chậm tốc độ giảm giá của vàng. Tuy nhiên, một sự xoay trục “nhẹ nhàng” sẽ là chìa khóa để giá vàng lấy lại sức hấp dẫn của nó.”
Trung Quốc, quốc gia tiêu thụ vàng hàng đầu, đã giảm một nửa nhập khẩu vàng ròng qua Hongkong, Trung Quốc trong tháng 9 so với tháng trước.
Vàng có thể thu hút các giao dịch “hợp nhất” trong ngắn hạn, với ngưỡng hỗ trợ kỹ thuật ở mức 1.617 USD/ounce và mức kháng cự quanh 1.694 USD, chuyên gia Wong nói thêm.
Các nhà đầu tư cũng đang tập trung vào dữ liệu GDP của Mỹ và cuộc họp của Ngân hàng Trung ương Châu Âu vào thứ Năm, tiếp theo là số liệu lạm phát cơ bản của Mỹ vào thứ Sáu.
Trên thị trường kim loại quý khác, giá bạc tăng 1,1% lên 19,56 USD/ounce, bạch kim tăng 0,9% lên 922,90 USD và palladium tăng 2,1% lên 1.963,81 USD.
Nội dung bài viết
Vàng và sự xoay trục của Fed
Thực tế thời gian qua cho thấy, các nhà đầu tư phản ứng mạnh với bất kỳ sự thay đổi nào trong quan điểm của Fed về việc tăng lãi suất. Điều này đã được minh chứng vào thứ 6 tuần trước khi một bài báo của Tạp chí phố Wall đã thúc đầy vàng tăng mạnh. Chủ tịch Fed chi nhánh San Francisco, Mary Daly, chia sẻ quan điểm: “Tôi nghĩ bây giờ là lúc bắt đầu thảo luận và lên kế hoạch về việc giảm dần tốc độ thắt chặt chính sách”.
Khi các nhà đầu tư và các chuyên gia kinh tế cho rằng Fed sẽ tăng lãi suất thêm 75 điểm cơ bản tại cuộc họp vào tháng 11, đã xuất hiện sự thay đổi mạnh mẽ trong suy đoán của thị trường đối với đợt tăng lãi suất tháng 12 thông qua công cụ FedWatch của CME.
Cuối tuần trước, FedWatch Tools dự đoán có 46,3% khả năng lãi suất của Fed sẽ nằm trong khoảng 450 đến 475 điểm cơ bản vào cuối năm 2022. Điều này khác rất nhiều so với dự đoán vào thứ 5 tuần trước với xác suất là 75,4%.
Theo nhà phân tích thị trường Gary S. Wagner, việc thị trường xem xét kỹ hơn các tuyên bố của Chủ tịch Mary Daly là hợp lý. Bà đã nói rằng “giảm tốc độ không giống như dừng tăng lãi suất”, và rằng lãi suất chuẩn của Fed cuối cùng sẽ tăng lên “4,5 hoặc 5% là một ước tính rất hợp lý”.