Trong phiên giao dịch cuối tuần thứ Sáu (15/10), vàng đối mặt với “ngưỡng kháng cự mạnh” ở mức 1.800 USD/ounce, kéo theo mức giảm gần 30 USD. Các nhà phân tích cho rằng vàng sẽ khó có thể tiếp tục đà tăng cho đến khi có thể vượt qua các rào cản kỹ thuật chính của nó. Một nguyên nhân khác cũng tác động tới đà giảm của vàng là dữ liệu doanh số bán lẻ mạnh hơn dự kiến của Mỹ.
rong phiên này, giá vàng giao tháng tháng 12 trên sàn Comex đã giảm tới 1.61% xuống 1.769 USD/ounce.
Theo ông Phillip Streible, trưởng chiến lược gia thị trường của Blue Line Futures, việc giá vàng giảm mạnh còn đến từ lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ tăng cao hơn, kỳ vọng về những động thái quyết liệt hơn của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) và tâm lý chấp nhận rủi ro trong thị trường chứng khoán của các nhà đầu tư.
“Vàng đang rơi vào ngưỡng kháng cự lớn,” ông Streible nói. “Các mô hình lãi suất quỹ của FED báo hiệu sẽ có một đợt tăng lãi suất vào khoảng tháng 11/2022. Có nhiều thảo luận xoay quanh việc giảm chương trình mua trái phiếu, việc lợi suất tăng và thị trường chứng khoán rủi ro trở lại.
Cũng theo ông Streible, vàng sẽ phải đối mặt với rất nhiều mức kháng cự phía trước ở 1.800 USD, 1.805 USD, 1.815 USD…. Ngưỡng hỗ trợ quan trọng cần giữ được là 1.750 USD. Nếu phá vỡ ngưỡng này, vàng có thể xuống mức 1.720 USD và 1.685 USD.
Bitcoin chạm mức 60.000 USD và gần đạt mức cao nhất mọi thời đại lần đầu tiên trong sáu tháng cũng gây thêm áp lực lên vàng. Vàng vẫn đang cạnh tranh với đồng tiền điện tử này như một tài sản phòng ngừa lạm phát.
“Bitcoin sẽ thu hút được rất nhiều sự chú ý. Đồng tiền này đã trở thành một mối đe dọa cho vàng khi nó bắt đầu được công chúng quan tâm rộng rãi hơn,” ông Streible giải thích.
Tuy nhiên, nhiều nhà phân tích theo dõi vàng vẫn tỏ ra khá lạc quan bất chấp sự suy yếu hiện nay. Họ lưu ý rằng nhu cầu đối với kim loại quý này sẽ tăng lên.
“Vàng luôn gặp nhiều khó khăn trong việc đột phá khỏi ngưỡng 1.800 USD. Nhưng đợt sụt giảm này là một cơ hội để mua vào,” nhà môi giới hàng hóa cao cấp của RJO Futures Bob Haberkorn nhận định. “Nỗi sợ hãi đang gia tăng và rất nhiều người đang tìm kiếm sự an toàn. Họ thường sẽ tìm đến vàng, tiền kỹ thuật số và trái phiếu. Tôi cho rằng vàng sẽ vượt ngưỡng 1.800 USD vào tuần tới. Điều này dựa trên những lo ngại lạm phát cũng như các vấn đề về chuỗi cung ứng.”
Ông Haberkorn cũng tin rằng, vàng sẽ học cách cùng tồn tại với Bitcoin. “Bây giờ Bitcoin trông sáng lạn hơn, nhưng cuối cùng thì, vàng vẫn sẽ là ‘vàng’.”
Một trong những trở ngại lớn hơn mà kim loại quý đang phải chống lại là kỳ vọng của thị trường rằng FED sẽ cứng rắng hơn trong việc thu hẹp chương trình mua trái phiếu và tăng lãi suất.
“Các nhà giao dịch vàng biết rằng sắp có các đợt tăng lãi suất,” ông Haberkorn nói thêm. “Đây là lý do tại sao nó đã ở mức dưới 1.800 USD trong một thời gian dài. Nhưng các mức tăng lãi suất sẽ rất ít. Với tình trạng nợ công như hiện nay, FED sẽ không có khả năng lãi suất một cách mạnh mẽ.”
Nội dung bài viết
Các vấn đề kỹ thuật
Bart Melek, người đứng đầu chiến lược toàn cầu của TD Securities cho biết diễn biến giá vàng hiện nay phần lớn liên quan tới mặt kỹ thuật. Vàng đang phản ứng với các dữ liệu bán lẻ tốt hơn dự kiến và những kỳ vọng về việc FED có những quyết định tích cực hơn.
“Về mặt kỹ thuật, điều quan trọng là vàng đã không vượt qua ngưỡng 1.800 USD. Nó chỉ tăng trên mức trung bình động 200 ngày là 1.796 USD, nhưng không thể vượt mức này. Và điều đó là dấu hiện khiến đà bán quay trở lại”, ông Melek nhận định. “Đây là kết quả của một loạt các yếu tố bao gồm vàng không thể vượt qua mốc kỹ thuật quan trọng một cách thuyết phục, đường cong lợi suất tăng mạnh, và đồng USD cũng tăng lên.”
Triển vọng giá
Ông Melek nói thêm rằng vàng có thể sớm vượt qua mức 1.800 USD/ounce. Nhưng trước tiên, thị trường cần phải hiểu được rằng FED không thể tăng lãi suất quá cao.
“FED cảm thấy hài lòng với mức lãi suất thực tế và lạm phát hiện tại. Thị trường cần tin rằng FED sẽ không thắt chặt các chính sách của mình,” ông Meleck nói. “Quan điểm hiện nay là FED sẽ phản ứng với áp lực lạm phát. Nhưng giảm dần chương trình mua trái phiếu là một chuyện, còn việc kích hoạt tăng lãi suất ngay vào vào năm sau là chuyện khác.”