Tiêu điểm trong ngày
*Vàng có thể giảm xuống 1.920/ounce
*Khối lượng vàng ở SPDR Gold Shares cao nhất kể từ tháng 10
Giá vàng châu Á tăng trở lại trong phiên giao dịch chiều 30/3 do đồng USD yếu trong bối cảnh thị trường bớt lo ngại về hệ thống ngân hàng toàn cầu.

Cụ thể, Giá vàng giao ngay tăng 0,3% lên 1.968,89 USD/ounce vào lúc 14 giờ 38 phút (giờ Việt Nam). Giá vàng Mỹ giao kỳ hạn không đổi ở mức 1.984,70 USD/ounce.
Chỉ số đồng USD giảm 0,1%, khiến vàng trở nên hợp lý hơn đối với những người mua nắm giữ các loại tiền tệ khác, trong khi thị trường chứng khoán châu Á tăng điểm gần đây.
Michael Langford, Giám đốc công ty tư vấn doanh nghiệp AirGuide cho biết: “Trong ngắn hạn, các hoạt động chốt lời cũng như những lo ngại về cuộc khủng hoảng ngân hàng toàn cầu giảm bớt sẽ khiến giá vàng tiếp tục giảm trở lại mức 1.920 USD/ounce”.
Vàng đã tăng trên mốc 2.000 USD sau sự sụp đổ bất ngờ của 2 ngân hàng lớn của Mỹ vào đầu tháng này, tuy nhiên, giá vàng kể từ đó đã rút lui khỏi các mức cao khi các nhà chức trách nỗ lực giải cứu lĩnh vực này, bao gồm cả việc UBS tiếp quản Credit Suisse và thỏa thuận mua Ngân hàng Thung lũng Silicon của First Citizens BancShares’.
Tuy nhiên, các nhà phân tích tại ANZ cho biết trong một lưu ý rằng kim loại này “vẫn đứng vững tương đối tốt trước những cơn gió ngược”.
“Vàng tiếp tục chứng kiến dòng vốn chảy vào mạnh mẽ trong các quỹ ETF. Khối lượng vàng ở SPDR Gold Shares, quỹ ETF được hỗ trợ bằng vàng lớn nhất, đã tăng lên mức cao nhất kể từ tháng 10,” ANZ cho biết.
Những người tham gia thị trường hiện đang chờ dữ liệu Chi tiêu tiêu dùng cá nhân của Mỹ sẽ được công bố vào thứ Sáu. Đây là thước đo lạm phát ưa thích của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ Fed, thông qua chỉ số này, nhà đầu tư có thêm manh mối về chính sách tiền tệ.
Fed sẽ đưa ra các quyết định về lãi suất trên cơ sở từng cuộc họp và sẽ tính đến các điều kiện tài chính cùng với các yếu tố khác trong quyết định cuối cùng, Phó Chủ tịch Giám sát Fed Michael Barr cho biết hôm 29/3.
Chi phí cơ hội của việc nắm giữ vàng không mang lại lợi tức tăng lên khi lãi suất tăng để giảm lạm phát.
Theo công cụ FedWatch của CME, thị trường nhận thấy có 39,2% khả năng Fed tăng lãi suất thêm 25 điểm cơ bản vào tháng 5.
Trên thị trường kim loại quý khác, giá bạc giao ngay tăng 1,2% lên 23,63 USD/ounce, bạch kim tăng 0,4% lên 971,12 USD và palladium tăng 0,8% lên 1.450,86 USD.
Nội dung bài viết
Giá vàng đạt trung bình 2.000 USD trong quý 4

Ngân hàng ING của Hà Lan cho biết vàng có thể đạt trung bình 2.000 USD/ounce trong quý 4 năm nay khi các nhà đầu cơ tăng giao dịch vàng và Cục Dự trữ Liên bang Mỹ Fed cắt giảm lãi suất.
Warren Patterson, người đứng đầu bộ phận chiến lược hàng hóa của ING, cho biết sau đợt phục hồi mạnh mẽ trong ba tuần qua, một số đợt điều chỉnh giảm của vàng là không thể tránh khỏi. Nhưng có nhiều khả năng vàng sẽ tiến xa hơn trong nửa cuối năm.
Chuyên gia Patterson cho biết: “Mặc dù dự đoán giá sẽ giảm trong ngắn hạn, nhưng chúng tôi nhận thấy giá vàng sẽ tăng cao hơn trong nửa cuối năm 2023 và kỳ vọng vàng giao ngay sẽ đạt mức trung bình 2.000 USD/ounce trong quý 4 năm 2023”. “Dựa trên việc chúng tôi không thấy sự suy giảm hơn nữa trong lĩnh vực ngân hàng và Fed sẽ bắt đầu cắt giảm lãi suất vào cuối năm nay.”
Không chỉ dựa trên quan điểm đầu cơ vàng, ông Patterson đã đưa ra cái nhìn tổng thể về kim loại quý.
“Dữ liệu của Ủy ban Giao dịch Hàng hóa tương lai CFTC cho thấy các nhà đầu cơ đã tăng lượng mua ròng đối với vàng COMEX trong những tuần gần đây. Lượng mua ròng bằng tiền được quản lý đã tăng 67.047 lô kể từ cuối tháng 2, lên mức 106.955 lô. Các nhà đầu cơ đã tăng vị thế vào cuối năm ngoái và đầu năm nay – với kỳ vọng lãi suất quỹ Fed sắp đạt đỉnh,” ông nói.
Nhưng vẫn còn một số vị thế đầu cơ. Và yếu tố kích hoạt phù hợp sẽ là những lo ngại kéo dài về lĩnh vực ngân hàng và sự xoay trục của Fed.
Chuyên gia Patterson lưu ý rằng có một vài dấu hiệu cho thấy các nhà đầu cơ đang tăng cường giao dịch vàng. “Lượng mua ròng hiện tại thấp hơn một chút so với mức được thấy vào tháng 1 năm nay, thấp hơn nhiều so với tại thời điểm bắt đầu xung đột Nga-Ukraine và trong thời kỳ phong tỏa phòng dịch COVID-19 và dưới mức mua ròng kỷ lục khoảng 292 nghìn lô được ghi nhận vào tháng 9 năm 2019,” ông lưu ý.
Trong khi đó, xu hướng quỹ ETF được hỗ trợ bằng vàng đang đảo ngược sau khi dòng tiền chảy ra đáng kể vào năm ngoái. Trong hai tuần qua, quỹ ETF mua ròng ở mức 36 tấn.
Do những bất ổn địa chính trị và môi trường kinh tế, việc mua vàng của ngân hàng trung ương cũng vẫn là một động lực trong năm nay. Ông Patterson cho biết: “Việc mua mạnh đã tiếp tục vào năm 2023, với việc Thổ Nhĩ Kỳ và Trung Quốc lần lượt bổ sung thêm 23 tấn và 15 tấn vàng vào tháng 1 năm 2023”.
Dựa trên quan sát của ING cho thấy cuộc khủng hoảng trong lĩnh vực ngân hàng được kiềm chế, nền kinh tế chậm lại, lạm phát giảm và Fed có vẻ hài lòng với các đợt tăng lãi suất hiện tại.
“Chính sách của Fed có thể sẽ là chìa khóa đối với vàng trong trung hạn. Fed có thể đang tiến gần đến mức lãi suất quỹ cao nhất và chúng ta có thể thấy một sự xoay trục trong nửa cuối năm nay. Các sự kiện gần đây cho thấy dòng tín dụng sẽ trở lại hạn chế hơn – điều này sẽ đè nặng lên nền kinh tế và khiến lạm phát giảm nhanh hơn,” Patterson nhấn mạnh.
Ngân hàng Hà Lan không loại trừ khả năng Fed tăng lãi suất 25 điểm cơ bản khác vào tháng 5 nhưng sẽ cắt giảm lãi suất trong nửa cuối năm. Chuyên gia Patterson nói thêm: “Chúng tôi dự đoán Fed cắt giảm 75 điểm cơ bản trong quý 4. Chúng tôi kỳ vọng lợi suất thực tế sẽ giảm theo lãi suất chính sách vào cuối năm, điều này sẽ hỗ trợ cho giá vàng”.