Cuộc xung đột giữa Israel và phong trào Hồi giáo Hamas – lực lượng nắm quyền kiểm soát Dải Gaza nổ ra, đang trở thành yếu tố hỗ trợ giá dầu mỏ và vàng – tài sản được coi là kênh trú ẩn an toàn đối với các nhà đầu tư khi giá cổ phiếu, trái phiếu thường xuyên có sự biến động tiêu cực do ảnh hưởng của tình hình địa chính trị.

Cụ thể, vào lúc 12 giờ 06 phút giờ Việt Nam, giá vàng giao ngay tăng lên 1.865,19 USD/ounce, mức cao nhất kể từ ngày 29 tháng 9. Giá vàng kỳ hạn của Mỹ tăng 0,5% lên 1.874,10 USD.
Vàng đã tăng khoảng 1,6% vào thứ Hai, mức tăng trong một ngày lớn nhất trong 5 tháng, khi xung đột quân sự giữa Israel và phong trào Hamas ở Palestine đã thúc đẩy nhu cầu về tài sản trú ẩn an toàn và dầu mỏ.
Xung đột leo thang khiến giới đầu tư hoang mang, làm tăng thêm sự không chắc chắn trước mùa báo cáo thu nhập của các doanh nghiệp và dữ liệu lạm phát quan trọng của Mỹ trong tuần này.
Nhà phân tích cấp cao Matt Simpson của Công ty Tài chính City Index cho biết, vàng đã lấy lại vị thế là công cụ bảo toàn vốn sau các sự kiện địa chính trị cuối tuần qua. Giá vàng có khả năng hướng tới mức 1.880 USD/ounce và có thể sớm phá vỡ ngưỡng 1.900 USD/ounce.
Trong khi đó, nhà phân tích Fawad Razaqzada thuộc công ty dịch vụ tài chính Stone X miêu tả tâm lý của các nhà đầu tư trên thị trường thế giới đang phòng “tránh rủi ro”.
Nhận định về xu hướng thị trường, ông Mohit Kumar – nhà kinh tế trưởng khu vực châu Âu thuộc ngân hàng đầu tư kiêm công ty dịch vụ tài chính có trụ sở tại New York (Mỹ) Jefferies, cho rằng những diễn biến địa chính trị liên quan đến cuộc xung đột sẽ là những yếu tố chính ảnh hưởng đến thị trường dầu mỏ, tiền tệ và chứng khoán trong những ngày tới.
Theo nhận định của bà Tina Fordham – chiến lược gia về các vấn đề địa chính trị đồng thời là nhà sáng lập công ty tư vấn Fordham Global Foresight, nếu cuộc xung đột lan rộng thì điều này không chỉ khiến giá dầu tăng mạnh, mà còn gây ra những hệ quả mang tính hệ thống. Trong đó, đáng quan ngại là sự gia tăng mức lạm phát toàn cầu trong bối cảnh nhiều nước trên thế giới đang nỗ lực kiềm chế chỉ số này trong nhiều năm qua.
Nhà phân tích Giovanni Staunovo của UBS cho biết, với việc các nhà đầu tư đang tìm kiếm tài sản trú ẩn an toàn, vàng đã được hưởng lợi ít nhất trong ngắn hạn từ sự gia tăng căng thẳng địa chính trị.
Mặc dù vậy, Staunovo nói thêm rằng, lãi suất của Mỹ sẽ vẫn là lực cản đối với vàng. Theo ông, để vàng tăng một cách vững chắc, thị trường cần phải thấy Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) bắt đầu tỏ ra ôn hòa hơn trong suốt năm 2024.

Báo cáo lạm phát nóng vào cuối tuần này được dự báo có thể mở đường cho một đợt tăng lãi suất khác của Mỹ trong năm nay và điều đó có thể làm giảm sức hấp dẫn của vàng.
Các nhà đầu tư cũng đang tập trung theo dõi Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) công bố biên bản cuộc họp tháng 9/2023 vào thứ Tư (11/10).
Trong 1 báo cáo mới đây, Ole Hansen, chiến lược gia hàng hóa tại Ngân hàng Saxo, không tin rằng Fed sẽ tiếp tục tăng lãi suất trong bối cảnh bất ổn gia tăng.
Theo công cụ CME Fedwatch, các nhà giao dịch hiện đang định giá khoảng 28% khả năng Fed sẽ tăng lãi suất lần nữa trong năm nay.