Tiêu điểm trong ngày
*Bảng lương phi nông nghiệp của Mỹ sẽ công bố vào thứ Sáu
*Vàng tăng 2,4% trong tuần này
*Đồng USD tăng 0,2%
Trong phiên giao dịch vào thứ Năm (6/4), giá vàng giảm từ mức cao nhất trong một năm khi đồng USD tăng trở lại, trong khi các nhà đầu tư chờ đợi báo cáo việc làm phi nông nghiệp của Mỹ để đánh giá chiến lược chính sách tiền tệ của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ Fed.

Cụ thể, vào lúc 12 giờ 43 phút giờ Việt Nam, giá vàng giao ngay đã giảm 0,3% xuống 2.014,26 USD/ounce, sau khi chạm mức cao nhất kể từ tháng 3 năm 2022 vào 4/4. Giá vàng kỳ hạn của Mỹ cũng giảm 0,3% xuống 2.029,80 USD.
Chỉ số USD index tăng 0,2%, khiến vàng trở nên đắt hơn đối với người mua ở nước ngoài.
Ajay Kedia, giám đốc Kedia Commodities ở Mumbai, Ấn Độ cho biết: “Đây là một đợt điều chỉnh kĩ thuật của thị trường do việc tăng giá khá mạnh trước đó.”
Ông nói thêm, các điểm dữ liệu kinh tế trong tuần này là những thành phần chính hỗ trợ giá vàng, đồng thời ông cũng lưu ý đến một số hoạt động chốt lời trước kỳ nghỉ Lễ Phục sinh hôm thứ Sáu.
Từ đầu tuần đến nay, giá vàng đã tăng khoảng 2,4%, sau khi OPEC+ bất ngờ cắt giảm sản lượng dầu và dữ liệu kinh tế yếu kém của Mỹ trong tuần làm tăng thêm lo ngại về suy thoái kinh tế và khiến kim loại màu vàng tăng vọt lên trên 2.000 USD.
Dữ liệu hôm 4/4 cho thấy lĩnh vực dịch vụ của Mỹ đã chậm lại hơn dự kiến trong tháng 3. Dữ liệu riêng biệt cho thấy số lượng việc làm mới của khu vực tư nhân không đạt được kỳ vọng.
Các nhà đầu tư hiện đang chờ báo cáo bảng lương phi nông nghiệp trong tháng 3 vào thứ Sáu 7/4.
Trong khi vàng theo truyền thống được coi là hàng rào chống lại lạm phát và những bất ổn kinh tế, thì lãi suất cao hơn làm giảm sức hấp dẫn của loại kim loại quý vốn không mang lại lợi suất.
Theo công cụ FedWatch của CME, thị trường nhận thấy 54,8% khả năng Fed sẽ giữ nguyên lãi suất vào tháng 5. Chủ tịch Fed chi nhánh Cleveland Loretta Mester cho biết còn quá sớm để biết liệu Fed có cần tăng lãi suất tại cuộc họp chính sách vào tháng 5 hay không.
Edward Moya, nhà phân tích thị trường cấp cao tại OANDA, cho biết trong một lưu ý: “Giao dịch vàng đang quá sôi động nhưng bối cảnh vĩ mô vẫn ủng hộ mạnh mẽ cho vàng,” ông Edward Moya đồng thời cho biết thêm rằng mức kháng cự trước mắt của vàng là ở mức 2.050 USD.
Trên thị trường kim loại quý khác, giá bạc giao ngay giảm 0,7% xuống 24,81 USD/ounce, bạch kim tăng 0,5% lên 1.001,67 USD và palladium giảm 0,2% xuống 1.426,95 USD.
Nội dung bài viết
Việc phi đô la hóa đang bứt tốc, vàng phản ứng đầu tiên

Sự thống trị của đồng USD đang bị thách thức đồng thời trên nhiều mặt trận — từ các quốc gia chọn tiến hành giao dịch bằng đồng nội tệ cho đến việc BRICS phát triển đồng tiền riêng của mình. Và vàng đang được chú ý.
Đặc biệt, Trung Quốc và Nga đã tăng cường nỗ lực loại bỏ đồng đô la Mỹ. Nga đã rời xa đồng bạc xanh trong một thời gian. Và giờ đây, các nỗ lực đã tăng tốc sau khi các biện pháp trừng phạt mà phương Tây đưa ra vì cuộc xung đột tại Ukraine.
Tổng thống Nga Vladimir Putin ủng hộ việc sử dụng đồng nhân dân tệ của Trung Quốc để thanh toán các giao dịch thương mại giữa Nga, châu Á, châu Phi và châu Mỹ Latinh.
Theo dữ liệu do Bloomberg tổng hợp, đồng nhân dân tệ đã là đồng tiền được giao dịch nhiều nhất ở Nga. Điều này chỉ xảy ra vào tháng 2 sau khi đồng nhân dân tệ lần đầu tiên vượt qua đồng USD về khối lượng giao dịch hàng tháng.
Vàng đang được chú ý
Chuyên gia về kim loại quý của Gainesville Coins, Everett Millman, cho biết xu hướng phi đô la hóa này có thể tác động trực tiếp đến thị trường vàng, đặc biệt là về tâm lý.
Millman nói rằng: “Chắc chắn có rất nhiều cuộc thảo luận về việc đồng USD mất đi vị thế tiền tệ dự trữ. Xu hướng của cuộc thảo luận sẽ rất quan trọng đối với vàng”. “Có lẽ là nói quá khi cho rằng đồng USD sắp sụp đổ. Nhưng nó ảnh hưởng đến nhận thức và tâm lý của mọi người trên thị trường vàng. Đánh giá vị thế bán so với vị thế mua vàng trong các hợp đồng tương lai cũ, tâm lý vẫn khá trung lập.”
Nếu có sự thay đổi trong nhận thức của giới đầu tư về những gì đang xảy ra với đồng USD và nền kinh tế Mỹ, điều đó sẽ thay đổi tâm lý rất nhanh và vàng thường là tài sản đầu tiên phản ứng với điều đó, ông Millman nói thêm.
Theo Hội đồng Vàng Thế giới (WGC), sau khi mua một lượng vàng kỷ lục vào năm 2022, các ngân hàng trung ương sẽ không từ bỏ việc gom vàng. Năm 2023 là năm khởi đầu mạnh mẽ nhất trong hơn một thập kỷ của việc mua vàng.
Dự trữ vàng toàn cầu tăng 52 tấn trong tháng 2, tăng tháng thứ 11 liên tiếp, WGC cho biết hôm 3/4. Trong tháng 1, các ngân hàng trung ương đã mua 74 tấn vàng.
Từ đầu năm đến nay, lượng mua ròng của các ngân hàng trung ương là 125 tấn. Krishan Gopaul, nhà phân tích cấp cao của WGC cho biết: “Đây là khởi đầu mạnh mẽ nhất trong một năm kể từ ít nhất là năm 2010 – khi các ngân hàng trung ương mua ròng trên cơ sở hàng năm”.
Quốc gia mua vàng lớn nhất trong tháng 2 là Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc, với 25 tấn. Đây là tháng mua vàng thứ tư liên tiếp của Trung Quốc, với việc bổ sung tổng cộng 102 tấn vàng.