Giá vàng trong phiên giao dịch ngày 28/10 đi lên khi nhu cầu đối với tài sản trú ẩn an toàn tăng trong bối cảnh đồng USD suy yếu, và dữ liệu cho thấy nền kinh tế Mỹ tăng trưởng với tốc độ chậm nhất trong hơn một năm. Chỉ số USD giảm khiến một số nhà đâu tư quan tâm trở lại tới thị trường kim loại quý. Báo cáo tăng trưởng kinh tế đáng thất vọng của Mỹ cùng với tâm lý kỳ vọng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) sẽ trì hoãn việc cắt giảm các chính sách tiền tệ cũng là những yếu tốc tác động tích cực tới đà tăng của vàng trong phiên.
Khép phiên, vàng giao ngay tăng 0,3% lên 1.801,43 USD/ounce. Vàng kỳ hạn tăng 0,2% lên 1.802,6 USD.
“Tăng trưởng kinh tế đã chậm lại ở Mỹ, và điều đó sẽ hỗ trợ thị trường vàng trong bối cảnh FED ít có khả năng sẽ sớm thực hiện việc cắt giảm chương trình mua trái phiếu hay nâng lãi suất,” David Meger, giám đốc giao dịch kim loại tại High Ridge Futures cho biết.
Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Mỹ đã tăng với tốc độ 2,0% trong quý III năm nay, khi các ca mắc COVID-19 tăng trở lại tiếp tục làm trì hoãn chuỗi cung ứng toàn cầu. Tình trạng khan hiếm hàng hóa vì thế đã kìm hãm đà chi tiêu của người tiêu dùng.
Đồng USD giảm 0,6% so với các đồng tiền khác, hiện ở mức thấp nhất trong một tháng, khiến vàng trở nên rẻ hơn đối với người mua nắm giữ những đồng tiền khác.
“Vàng được coi là một trong những hàng rào chống lại áp lực lạm phát. Đây là một yếu tố hỗ trợ cơ bản cho thị trường vàng, và chúng tôi cho rằng cả giá vàng và bạc sẽ tăng cao hơn trong những tuần tới”, ông Meger nhận định.
Ngân hàng Trung ương Châu Âu (ECB) đã tổ chức cuộc họp chính sách tiền tệ thường kỳ vào 28/10. Ngân hàng này cho biết chính sách tiền tệ của cơ quan này sẽ không có thay đổi. Ngoài ra, chương trình mua trái phiếu của ECB vẫn sẽ được tiếp tục cho đến ít nhất là tháng 3/2022. Trong cuộc họp báo, Chủ tịch ECB Christine Lagarde nói rằng khu vực đồng Euro vẫn còn quá yếu để các nhà hoạch định chính sách cắt giảm chương trình kích thích kinh tế. Trong khi đó, ngân hàng trung ương Canada đã kết thúc chương trình nới lỏng định lượng của mình vào ngày 27/10.
Hội đồng vàng thế giới (WGC) báo cáo nhu cầu vàng trong quý 3 năm 2021 giảm 7% so với cùng kỳ năm 2020. Dòng tiền chảy ra từ các quỹ ETF vàng là yếu tố chính tác động tới đà giảm của nhu cầu vàng thế giới. Tuy nhiên, nhu cầu trang sức ngày càng tăng đã làm giảm bớt sự sụt giảm này. Theo báo cáo từ WGC, nhu cầu vàng trang sức tăng 33% so với cùng kỳ năm ngoái. Cùng với đó, các ngân hàng trung ương đã mua 69 tấn vàng dự trữ, so với 10 tấn trong cùng kỳ năm 2020.
Trên các thị trường quan trọng khác, ngày 28/10 chứng kiến chỉ số USD giảm mạnh và chạm mức thấp nhất trong 4 tuần. Giá dầu thô giảm, giao dịch quanh mức 81,75 USD/thùng. Trong khi đó, lợi suất trái phiếu Mỹ kỳ hạn 10 năm hiện đang ở mức 1,556%.
Các thị trường hiện đang tập trung vào cuộc họp của FED sẽ diễn ra vào ngày 2-3/11. Cuộc họp đặc biệt quan trọng với các nhà giao dịch và các nhà đầu tư trên thị trường vàng, nhất là sau những bình luận gần đây của Chủ tịch Jerome Powell về việc giảm chương trình mua trái phiếu.
Theo chuyên gia phân tích Rhona O’Connell của StoneX, thị trường “chắc chắn sẽ có một phản ứng ngắn hạn đối với tuyên bố của FED” sau cuộc họp tới.
Nội dung bài viết
Phân tích kỹ thuật
Về mật kỹ thuật, giá vàng giao ngay nằm trên hợp lưu của đường trung bình động (DMA) 100 và 200 ngày. Vào ngày 26/10, giá vàng đã phá vỡ đường xu hướng dốc xuống. Điều này có thể được xem là một tín hiệu tăng giá. Chỉ số Sức mạnh Tương đối (RSI) ở mức 58, dù hơi thấp nhưng do vẫn nằm trên đường trung bình 50 nên nó vẫn cho thấy vàng đang giữ xu hướng tăng giá.
Để tiếp tục xu hướng tăng, phe mua sẽ cần giữ giá đóng cửa hàng ngày trên mốc 1.800 USD. Ngưỡng kháng cự đầu tiên hiện là mốc cao nhất ngày 3/9 ở 1.834 USD. Nếu vượt qua mốc này, vàng sẽ tiến lên ngưỡng kháng cự tiếp theo ở mức thấp nhất ngày 4/6 là 1.855 USD, tiếp theo là ngưỡng 1.900 USD.