Giá vàng trong phiên giao dịch ngày 20/10 tăng lên trong bối cảnh đồng USD suy yếu khi những lo lắng về lạm phát gia tăng và các vấn đề về chuỗi cung ứng đã thúc đẩy sức hấp dẫn của kim loại quý như là nơi trú ẩn an toàn.
Khép phiên, giá vàng giao ngay tăng 0,9% lên 1.785,25 USD/ounce. Giá vàng kỳ hạn giao tháng 12 tăng 0,8% lên 1.784,90 USD/ounce.
Vàng đã kéo dài đà phục hồi trong hai ngày qua sau phiên giảm mạnh, mất tới 32 USD hôm 15/10, khi dữ liệu doanh số bán lẻ của Mỹ được công bố.
Trong khi đó, trái với đà tăng của vàng, chỉ số USD Index trong phiên 20/10 đã giảm 0,21% xuống mức 93,59. Lợi suất trái phiếu Mỹ kỳ hạn 10 năm tăng một điểm cơ bản, hiện ở mức 1,645%.
Đồng USD giảm khiến vàng trở nên hấp dẫn hơn đối với những người nắm giữ những đồng tiền khác.
“Thị trường toàn cầu đang tỏ ra lo ngại trước sự suy giảm nguồn cung và việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) không có bất cứ hành động nào,” Bob Haberkorn, chiến lược gia thị trường cấp cao tại RJO Futures cho biết. “Có vẻ như chính FED đang phía sau việc lạm phát tăng cao.”
“Với các vấn đề về chuỗi cung ứng và lạm phát, làm thế nào chứng khoán tiếp tục đạt mức cao mới?” ông Haberkorn nói thêm, đồng thời khẳng định trong vài tháng tới sẽ có sự chuyển dịch dòng tiền đến nơi an toàn là vàng.
Cách đây đúng một tuần, vào ngày 13/10, Cục Thống kê Lao động Mỹ đã công bố số liệu lạm phát cho tháng 9/2021, cùng với với Chỉ số Giá tiêu dùng (CPI). Báo cáo chỉ ra rằng chỉ số CPI của người tiêu dùng thành thị (CPI-U) tăng 0,4%, cao hơn 0,1% so với dự báo của các nhà kinh tế. Điều này có nghĩa là tính chung trong 12 tháng qua, tất cả các mặt hàng trong giỏ hàng tính chỉ số đều tăng 5,4% trước khi điều chỉnh theo mùa. Các thành phần có mức tăng mạnh nhất là chi phí thực phẩm (4%) và năng lượng (24,8%).
Tỷ lệ lạm phát hiện tại đã tăng so với cùng kỳ năm trước, lên mức tăng lớn nhất kể từ tháng 7/2008. Vào tháng 6 và tháng 7 năm 2021, chỉ số CPI đã tăng lên 5,3%. Áp lực lạm phát bắt đầu gia tăng vào tháng 11/2020, phần lớn là do nền kinh tế mở cửa trở lại. Điều này dẫn đến nhu cầu tiêu dùng lớn hơn, cùng với các nút thắt hoặc hạn chế của chuỗi cung ứng.
FED từ lâu vẫn luôn muốn thực hiện mục tiêu kép là đưa nền kinh tế tới trạng thái toàn dụng lao động, và giữ chỉ số lạm phát mục tiêu ở 2%. Tuy nhiên, cơ quan này đã điều chỉnh nhiệm vụ thứ hai để ưu tiên thị trường lao động, và chính việc này đã cho phép áp lực lạm phát gia tăng. Nhiều thành viên FED vẫn tin rằng phần lớn áp lực lạm phát hiện tại chỉ là tạm thời. Trong khi đó, số lượng việc làm vẫn ở mức cực kỳ thấp, với hàng triệu người Mỹ đang trong tình trạng thất nghiệp.
Thống đốc FED Christopher Waller hôm 19/10 cho biết nếu lạm phát tiếp tục tăng với tốc độ hiện tại trong vài tháng tới, các nhà hoạch định chính sách có thể cần phải áp dụng “một phản ứng chính sách tích cực hơn” trong năm tới.
Vàng thường được coi là một hàng rào phòng ngừa lạm phát, dù việc giảm chương trình mua trái phiếu và tăng lãi suất đã đẩy lợi suất trái phiếu chính phủ lên, làm tăng chi phí cơ hội của việc nắm giữ tài sản không sinh lợi như vàng.
Nội dung bài viết
Phân tích giá vàng
Nhà phân tích Rhona O’Connell của StoneX cho biết vàng sẽ bứt phá nhanh một khi vượt qua ngưỡng quan trọng 1.800 USD/ounce. Khả năng này là khá lớn khi nhu cầu ở Trung Quốc vẫn ổn định, còn Ấn Độ – một trong những quốc gia tiêu thụ vàng lớn trên thế giới sắp bước vào lễ hội Diwali.
Trên phương diện kỹ thuật, trong biểu đồ hàng ngày, vàng đang giao dịch trên mức trung bình động 50 ngày (DMA50) ở 1.779,05 USD, tiến gần khu vực 1.800,00 USD. Xung quanh mức này là hợp lưu của đường xu hướng đi xuống, cùng với điểm hội tụ của đường DMA100 và DMA200, tạo thêm áp lực bán lên kim loại quý này.
Ngưỡng kháng cự đầu tiên là mức cao nhất ngày 3/9 ở 1.834,02 USD, tiếp theo là mức cao nhất ngày 11/6 ở 1.903,33USD.
Nếu thất bại, vàng sẽ quay đầu giảm xuống mức thấp nhất ngày 6/10 ở 1.765,09 USD. Nếu ngưỡng này bị phá vỡ, vàng sẽ tụt sâu hơn xuống các mốc hỗ trợ quan trọng, lần lượt là mức thấp nhất ngày 29/9 ở 1.745,56 USD, tiếp theo là mức thấp nhất ngày 9/8 ở 1.687,78 USD.
Chỉ số Sức mạnh tương đối (RSI) đang ở mức 55 và hướng tới mục tiêu cao hơn, cho thấy áp lực mua có thể giúp vàng phục hồi đà tăng hướng tới việc kiểm định lại ngưỡng 1.800 USD.
Trên các thị trường kim loại quý khác, giá tăng 2,9% lên 24,34 USD/ounce, đạt mức cao nhất trong hơn một tháng.
Giá bạch kim tăng 1% lên 1.050,50 USD/ounce. Palladium giảm 1,2% xuống 2.072,71 USD/ounce.