Giá vàng giảm trong phiên giao dịch ngày 2/11 khi đồng USD và chứng khoán Mỹ mạnh lên, trong bối cảnh các nhà đầu tư chờ đợi cuộc họp quan trọng của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) nhằm tìm kiếm thông tin liên quan tới mốc thời gian cơ quan này sẽ tăng lãi suất trước áp lực lạm phát gia tăng.
Khép phiên, giá vàng giao ngay giảm 0,3% xuống 1.787,04 USD/ounce. Giá vàng kỳ hạn giảm 0,4% xuống 1.789,40 USD.
Đà tăng mạnh mẽ của thị trường chứng khoán trước thềm tuyên bố của FED vào thứ Tư (3/11) tiếp tục đè nặng lên kim loại trú ẩn an toàn như vàng, Jim Wyckoff, nhà phân tích cấp cao tại Kitco Metals cho biết.
Tuy nhiên những lo ngại gần đây về lạm phát đã hạn chế đà giảm giá của vàng.
Kim loại quý từ lâu đã được sử dụng như một hàng rào chống lại lạm phát, tuy nhiên, việc giảm kích thích kinh tế và tăng lãi suất có xu hướng đẩy lợi suất trái phiếu chính phủ lên, làm tăng chi phí cơ hội của việc nắm giữ tài sản không sinh lời như vàng.
Dự kiến, FED sẽ thông qua kế hoạch giảm quy mô chương trình mua trái phiếu của mình vào thứ Tư (3/11), khi kết thúc cuộc họp chính sách kéo dài hai ngày.
Theo nhận định của các nhà chiến lược hàng hóa tại TD Securities, thông báo the hẹp chương trình mua trái phiếu phần lớn đã được phản ánh vào giá thị trường. Vào tháng 10, ông Powell đã tuyên bố rằng “đã đến lúc phải điều chỉnh” (chương trình mua trái phiếu) nhưng không phải là “thời điểm để tăng lãi suất.”
Việc cắt giảm có thể bắt đầu chính thức vào đầu tháng 12 năm nay và kết thúc vào giữa năm 2022, Bill Diviney, nhà kinh tế cấp cao của ABN AMRO nói.
“Ngay cả khi thông số việc làm tháng 11 yếu cũng khó có thể thay đổi quyết định bắt đầu thắt chặt chính sách tiền tệ”, ông Diviney cho biết thêm.
Nhận định về quy mô và phương thức thực hiện chương trình cắt giảm, Win Thin, người đứng đầu Chiến lược tiền tệ toàn cầu của BBH cho rằng phương án khả dĩ nhất là FED sẽ giảm lượng mua tài sản 15 tỷ USD mỗi tháng. “Chúng tôi tin rằng FED sẽ bắt đầu cắt giảm trong tháng này để QE có thể kết thúc một cách hiệu quả vào giữa năm 2022… giá trị tài sản thu mua sẽ giảm 15 tỷ USD mỗi tháng (trong đó bao gồm 10 tỷ trái phiếu kho bạc và 5 tỷ USD chứng khoán thế chấp)”, ông Thin nói.
Mặc dù ông Powell đã lên tiếng trấn an rằng việc cắt giảm không có nghĩa là đã đến lúc tăng lãi suất, song các thị trường đã bắt đầu dự đoán một đợt thắt chặt chính sách quyết liệt hơn của ngân hàng trung ương này.
Công cụ FedWatch của CME ước tính khả năng tăng lãi suất vào tháng 6/2022 là 45%, và khả năng tăng lãi suất lần thứ hai vào tháng 9/2022 là 31%. Viễn cảnh Ngân hàng Trung ương Canada và Ngân hàng Anh thực hiện các chính sách theo hướng cứng rắn hơn cũng không bổ trợ cho quan điểm của FED.
Hiện, các nhà kinh tế đang quan sát FED sẽ cố gắng như thế nào để đẩy lùi kỳ vọng mạnh mẽ của thị trường đối với việc tăng lãi suất.
“Các nút thắt trong chuỗi cung ứng ngày càng tồi tệ, mức tiêu thụ hàng hóa mạnh ở Mỹ đã làm nguy cơ lạm phát gia tăng dai dẳng hơn,” ông Diviney nói. “Chúng tôi tiếp tục cho rằng FED sẽ gặp khó khăn để có thể tái khẳng định hàm ý của mình, rằng lãi suất sẽ không tăng ngay sau khi kết thúc hoạt động mua tài sản. Chúng tôi vẫn giữ quan điểm rằng FED sẽ xem xét tình trạng lạm phát gia tăng hiện tại, và bắt đầu tăng lãi suất vào đầu năm 2023.”
Trong khi đó, nhà phân tích hàng hóa Carsten Fritsch tại Commerzbank nhận định, “FED sẽ thông báo bắt đầu cắt giảm chương trình mua trái phiếu, nhưng họ sẽ không đưa ra thời điểm cụ thể về việc tăng lãi suất.” Điều này có thể khiến những người tham gia thị trường thất vọng vì họ đều đang mong đợi điều gì cụ thể hơn có thể đẩy vàng tăng lên mốc 1.800 USD/ounce hoặc thậm chí cao hơn”.
Chỉ số đồng USD mạnh lên, khiến vàng trở nên đắt đỏ hơn đối với những người mua nắm giữ bằng các đồng tiền khác.
Việc FED có khả năng thực hiện các chính sách cứng rắn có thể giúp đồng USD tăng giá, từ đó tiếp tục tạo áp lực lên vàng. Các nhà phân tích đang chuẩn bị cho một phiên giao dịch đầy biến động vào thứ Tư (3/11). Lukman Otunuga, nhà phân tích nghiên cứu cấp cao của FXTM cho biết: “Một cuộc họp về việc thắt chặt chính sách diễn ra suôn sẻ có thể thúc đẩy kỳ vọng về việc FED tăng lãi suất sớm hơn dự kiến. Điều đó sẽ đẩy giá đồng USD cao hơn, trước thềm báo cáo việc làm rất được mong đợi của Mỹ vào thứ Sáu (5/11).”
Cũng theo ông Otunuga, bất kỳ động thái quan trọng nào của đồng USD, lợi suất kho bạc hoặc kỳ vọng lạm phát đều sẽ tác động tới giá vàng.
“Đà tăng của vàng vẫn bị mắc kẹt trong một vùng quanh đường trung bình động đơn giản (SMA) 200 ngày, và mức 1.800 USD đóng vai trò là ngưỡng kháng cự đầu tiên,” ông Otunuga cho biết. “Trên mức này, giá vàng có thể thử lại mức cao nhất trong tháng 10 ở 1.813,67 USD, và mức cao nhất đạt được vào tháng 9 ở 1.833,84 USD.”
Tin tốt cho vàng là áp lực giảm giá đã giảm bớt, các nhà phân tích của TD Securities lưu ý. Một cú đột phá tiềm năng sẽ đưa mức 1.830 USD/ounce vào tầm ngắm. Đây là ngưỡng quan trọng để chỉ báo động lượng hướng tới xu hướng tăng.
Trên thị trường kim loại quý khác, bạc giảm 2,3% xuống mức thấp nhất trong hai tuần là 23,46 USD/ounce. Bạch kim giảm 2,4% xuống 1.038,82 USD/ounce, còn palladium giảm 1,8% xuống 2.011,69 USD.