Trong phiên giao dịch ngày 23/5 tại thị trường châu Á, giá vàng ổn định khi các nhà đầu tư tập trung vào các cuộc đàm phán kéo dài về trần nợ của Mỹ sau khi Tổng thống Joe Biden và lãnh đạo hàng đầu của Đảng Cộng hòa bế tắc trong việc đạt được thỏa thuận.

Cụ thể, vào lúc 7 giờ 19 phút giờ Việt Nam, giá vàng giao ngay tăng 0,1% lên 1.971,09 USD/ounce. Giá vàng kỳ hạn của Mỹ giảm 0,3% xuống 1.972,10 USD.
Tổng thống Joe Biden và Chủ tịch Hạ viện Kevin McCarthy đã không thể đạt được thỏa thuận vào thứ Hai (22/5) để nới trần nợ 31,4 nghìn tỷ USD của chính phủ Mỹ trong bối cảnh chỉ còn 10 ngày nữa là đến hạn chót trước khi xảy ra khả năng vỡ nợ và có thể nhấn chìm nền kinh tế Mỹ. Tuy nhiên, ông Biden vẫn cam kết sẽ tiếp tục đàm phán.
Hôm 22/5, Hạ nghị sĩ đảng Cộng hòa Patrick McHenry, thành viên của đoàn đàm phán cho biết Nhà Trắng đang chậm chạp trong việc giải quyết cuộc khủng hoảng trần nợ của Mỹ.
Trong khi đó, Chủ tịch Fed chi nhánh St. Louis James Bullard cho biết có thể cần phải tăng lãi suất chính sách cao hơn.
Còn Chủ tịch Fed chi nhánh Minneapolis Neel Kashkari cảnh báo rằng mặc dù có vẻ như những căng thẳng tồi tệ nhất của ngành ngân hàng đã qua, nhưng lịch sử cho thấy không thể loại trừ những rủi ro tiếp theo.
Trong khi đó, các ngân hàng tại Phố Wall và các nhà quản lý tài sản đã chuẩn bị cho hậu quả từ khả năng vỡ nợ.
Vàng được coi là một hàng rào chống lại những bất ổn kinh tế, tuy nhiên, lãi suất tăng làm ảnh hưởng đến nhu cầu đối với tài sản không sinh lời này.
Theo công cụ FedWatch của CME, các thị trường hiện đang định giá 74,3% khả năng Fed sẽ giữ nguyên lãi suất vào tháng tới.
Trên thị trường kim loại quý khác, giá bạc giao ngay giảm 0,1% xuống 23,64 USD/ounce, bạch kim giảm 0,3% xuống 1.063,97 USD và palladium mất 0,3% xuống 1.487,07 USD.
Nội dung bài viết
Triển vọng giá vàng

Tại cuộc họp tháng 5, Fed đã tăng lãi suất lần thứ 10 liên tiếp, đưa lãi suất quỹ liên bang lên mức 5-5,25% – mức cao nhất kể từ giữa năm 2007. Chỉ trong hơn một năm, Fed đã tăng lãi suất 5%. Cuộc họp chính sách tiền tệ tiếp theo được lên kế hoạch vào ngày 13-14/6.
Ngoài những kỳ vọng về lãi suất thay đổi, các cuộc đàm phán nâng trần nợ 31,4 nghìn tỷ USD tạm dừng mà chưa có tiến triển nào được ghi nhận.
Edward Moya, nhà phân tích thị trường cấp cao của OANDA cho biết: “Phố Wall dự đoán dự luật sẽ được đưa ra vào cuối tuần hoặc đầu ngày thứ Hai, với một cuộc bỏ phiếu vào giữa tuần”. “Điều đó dường như ít xảy ra hơn ở thời điểm hiện tại và có thể làm tăng rủi ro rằng Mỹ sẽ không đạt được thỏa thuận trước ngày 1 tháng 6.”
Chuyên gia Moya cho rằng vấn đề trần nợ đang chia rẽ chính trị Mỹ có khả năng sẽ ‘nóng’ trở lại.
“Các cuộc đàm phán đang trở nên khó khăn hơn. Vàng sẽ án binh bất động để đánh giá phần nào của nền kinh tế sẽ bị phá vỡ”, ông Moya cho biết hôm thứ Sáu. “Chi tiêu tiêu dùng rõ ràng đang suy yếu. ất nhiều dữ liệu đang nghiêng về khả năng suy thoái kinh tế.”
Chuyên gia về kim loại quý Everett Millman của Gainesville Coins nói với Kitco News rằng một diễn biến sẽ tiếp tục ảnh hưởng đến vàng là kỳ vọng cắt giảm lãi suất sẽ giảm xuống.
“Hầu hết mọi người trên thị trường đều tin rằng Fed sẽ cắt giảm lãi suất trong nửa cuối năm nay. Nhưng vì lạm phát không giảm nhiều nên nền kinh tế đang đứng vững và tỷ lệ thất nghiệp thấp, các nhà giao dịch lớn đang hủy bỏ những đặt cược cắt giảm lãi suất đó”, Millman lưu ý.
Ông Millman cho biết thêm, với việc vàng thử nghiệm mức cao kỷ lục chỉ hơn hai tuần trước, các nhà giao dịch cũng đang chốt một số lợi nhuận, đẩy nhanh đà giảm giá của vàng.
Nhìn chung, tuần trước là thảm họa đối với vàng, nhưng giá đã kết thúc với một dấu hiệu tích cực, ông Moya lưu ý. “Mọi người đang suy nghĩ lại về việc liệu chúng ta có đang hướng tới một cuộc suy thoái đang kìm hãm nhu cầu trú ẩn an toàn hay không”. “Đây là một giai đoạn thú vị khi chúng tôi thực sự có rất nhiều rủi ro bao gồm khủng hoảng ngân hàng, trần nợ, thông báo sa thải hàng loạt.”