Vàng giảm giá vào thứ Ba nhưng ghi nhận tháng giao dịch tốt nhất kể từ tháng 3 khi cuộc chiến Israel-Hamas khơi dậy dòng chảy trú ẩn an toàn. Trong khi trọng tâm của giới đầu tư chuyển sang cuộc họp chính sách của ngân hàng trung ương Mỹ trong tuần này.

Cụ thể, vào lúc 1 giờ 30 phút rạng sáng ngày 1/11 giờ Việt Nam, giá vàng giao ngay giảm 0,8% xuống 1.980,71 USD/ounce sau khi tăng vọt lên mức 2.007,59 USD vào đầu phiên. Giá vàng kỳ hạn của Mỹ giảm 0,6% ở mức 1.994,30 USD.
David Meger, giám đốc giao dịch kim loại tại High Ridge Futures, cho biết giá đã giảm do sự kết hợp của ngưỡng kháng cự tâm lý ở khoảng 2.000 USD với một số hoạt động chốt lời trước các báo cáo kinh tế quan trọng. Tuy nhiên, “chúng tôi vẫn dự báo tích cực về vàng khi nhu cầu trú ẩn an toàn tiếp tục gia tăng do xung đột ở Trung Đông”.
Giới đầu tư đang nóng lòng chờ đợi cuộc họp chính sách tiền tệ của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed). Hiện tại, thị trường dường như đang chắc chắn Fed sẽ giữ nguyên lãi suất.
Nhà phân tích cấp cao Matt Simpson của City Index cho rằng, một loạt dữ liệu kinh tế mạnh mẽ có thể sẽ buộc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ Fed phải duy trì chính sách diều hâu, bất chấp lo ngại ngày càng tăng về xung đột ở Trung Đông.
Ngân hàng Thế giới dự báo giá vàng trung bình sẽ tăng 6% trong năm 2024 lên 1.900 USD/ounce, trước khi thị trường hạ nhiệt vào năm sau. Các nhà phân tích giải thích: “Xung đột ở Trung Đông có thể dẫn tới tình trạng bất ổn toàn cầu, kéo theo những tác động đáng kể đến giá vàng nếu xung đột leo thang. Mặc dù tác động ban đầu cho đến nay chỉ ở mức độ vừa phải, nhưng sự leo thang của nó sẽ làm trầm trọng thêm sự bất ổn đó”.
Tăng trưởng kinh tế Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) trong quý III/2023 đã giảm do chính sách tăng lãi suất mạnh của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) và nền kinh tế Đức suy giảm. Tuy nhiên, lạm phát của Eurozone trong tháng 10 vừa qua giảm xuống mức thấp nhất trong 2 năm. Cụ thể, số liệu cho thấy kinh tế của 20 nước thuộc Eurozone giảm 0,1% trong quý III, sau khi giảm 0,2% trong quý II/2023. Con số này cho thấy những khó khăn kinh tế mà Eurozone đang đối mặt, trong đó có cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt và mối lo ngại nhu cầu toàn cầu giảm.
Nhà kinh tế kỳ cựu Tomas Dvorak thuộc công ty Oxford Economics cho rằng giá năng lượng tiếp tục giảm và đà tăng giá thực phẩm hạ nhiệt là những động lực chủ chốt, đồng thời dự báo lạm phát sẽ giảm xuống dưới mức mục tiêu 2% của ECB vào năm 2024. Ông cũng cho biết ECB khả năng sẽ giảm lãi suất vào tháng 4/2024.

Nhu cầu vàng toàn cầu, không tính hoạt động giao dịch vàng phi tập trung (OTC), hay giao dịch ngoài sàn giao dịch, đã giảm 6% trong quý III vừa qua khi lượng vàng mua vào của các ngân hàng trung ương thấp hơn mức cao kỷ lục của năm ngoái và lượng vàng do các thợ kim hoàn tiêu thụ giảm. Đây là nội dung được đề cập trong báo cáo xu hướng nhu cầu vàng theo quý do Hội đồng Vàng Thế giới (WGC) công bố ngày 31/10.
Tuy nhiên, nhu cầu vàng trong quý III, vẫn ở mức 1.147,5 tấn, cao hơn 8% so với mức trung bình 5 năm. Trong đó, nhu cầu từ giới đầu tư, vốn xem vàng là một loại tài sản an toàn trong những thời kỳ bất ổn, tăng 56% trong quý III, nhưng vẫn yếu so với mức trung bình 5 năm.
Trong khi đó, nhu cầu vàng từ các ngân hàng trung ương ở mức 337,1 tấn, giảm so với mức cao kỷ lục 458,8 tấn cùng kỳ năm ngoái. Trong giai đoạn từ tháng 1-9 năm nay, các ngân hàng trung ương đã mua 800 tấn vàng, mức mua vào trong cùng kỳ cao nhất kể từ năm 2000.
Ông Louise Street, chuyên gia phân tích thị trường cấp cao của WGC, nhận định với căng thẳng địa chính trị gia tăng và những đồn đoán rằng các ngân hàng trung ương sẽ tiếp tục mua vào mạnh mẽ, nhu cầu vàng có thể bất ngờ tăng lên.