Nội dung bài viết
Những điểm chính
- Các nhà sản xuất game coi NFT là một phần mở rộng của việc mua bán các vật phẩm trong game của mình.
- Các game thủ không quá nhiệt tình với những dự án này.
- Sự sụp đổ của thị trường NFT có thể làm tiêu tan chiến lược này.
Một số công ty game đang thâm nhập vào thị trường non trẻ này.
Nhiều công ty game đã khởi chạy các dự án token không thể thay thế (NFT) trong năm qua. Ubisoft (UBSFF) phát hành NFT cho Ghost Recon: Breakpoint, Konami (KNAMF) bán đấu giá NFT cho tựa game Castlevania cổ điển của mình. Square Enix (SQNNY) thậm chí bán các studio phát triển game lớn nhất của mình ở Châu Âu – bao gồm cả những nơi sáng tạo ra Tomb Raider và Deus Ex – để dồn tiền cho việc phát triển các dự án blockchain và NFT mới.
Nhưng liệu các dự án NFT có tạo ra doanh thu đáng kể cho các công ty game không? Chúng ta hãy cùng xem lại những lợi nhuận và cạm bẫy tiềm năng.
NFT hoạt động như thế nào?
NFT, giống như tiền điện tử, được tạo ra trên một sổ cái phi tập trung được gọi là blockchain. Nhưng không giống như tiền điện tử, chúng không “có thể thay thế” hay có giá trị tương đương nhau. Ví dụ một Bitcoin đơn lẻ có thể được giao dịch trực tiếp với một Bitcoin khác vì chúng có cùng giá trị vốn có. Không thể trao đổi NFT theo cách đó vì chúng chứa dữ liệu được liên kết với tài sản kỹ thuật số như hình ảnh, video hoặc bài hát.
Nói một cách đơn giản, NFT là những bản ghi kỹ thuật số cho phép một người sở hữu tài sản số cơ sở. Các nghệ sĩ kỹ thuật số có thể tạo ra các tác phẩm nghệ thuật của mình dưới dạng token NFT – đại diện cho “bản gốc”, trái ngược với “bản sao” có thể tải xuống trực tuyến. Họ cũng có thể sử dụng các thuật toán để tạo các tác phẩm nghệ thuật kỹ thuật số ngẫu nhiên độc đáo với nhiều đặc điểm khác biệt.
Phe chỉ trích cho rằng NFT vô giá trị vì chúng chỉ thuần túy là liên kết đến các bản sao kỹ thuật số của vật phẩm. Tuy nhiên, những người ủng hộ NFT tin rằng sự khan hiếm của các liên kết đó mới mang lại giá trị cho chúng – giống như cách các đồ sưu tầm thực thể như tranh vẽ, thẻ bóng chày, tiền xu và truyện tranh được đánh giá cao.
Tại sao các công ty game muốn bán NFT?
Thật dễ hiểu tại sao các công ty game muốn bán NFT. Việc bán các vật phẩm trong game – phương thức kiếm tiền quen thuộc từ hầu hết các trò chơi hiện đại, đã huấn luyện người chơi chấp nhận khái niệm quyền sở hữu kỹ thuật số.
Đồng thời, chi phí sản xuất các game bom tấn (AAA) cao cấp hơn cũng ngày càng đắt đỏ hơn trong thập kỷ qua. Bản gốc Assassin’s Creed (2007) của Ubisoft nghe nói chỉ tốn 20 triệu USD, trong khi theo lời đồn công ty đã phải chi 100 triệu USD cho Assassin’s Creed IV: Black Flag (2013). Final Fantasy XIII (2009) được cho là đã ngốn của Square Enix 60 triệu USD, nhưng Shadow of the Tomb Raider (2018) đã tiêu tốn gần 100 triệu USD.
Phần phí tổn gia tăng đó đã khiến các công ty game gặp khó khăn trong việc bù đắp chi phí sản xuất khi mức giá trung bình của game là 60 USD. Khoảng cách ngày càng mở rộng đó đang thúc đẩy họ tung ra nhiều gói nội dung có thể tải xuống (DLC) hơn và những vật phẩm trả phí trong trò chơi để rút túi người chơi tối đa.
Do đó, việc tạo ra các NFT dưới dạng đồ sưu tầm quý hiếm – có thể được bán trên thị trường của bên thứ ba – có ý nghĩa chiến lược đối với các công ty game.
Nhưng các game thủ có muốn mua NFT không?
Thật không may, các game thủ có vẻ không nhiệt tình với kế hoạch đó. Ubisoft đã tạo ra hàng nghìn NFT cho Ghost Recon: Breakpoint và cung cấp miễn phí cho người dùng, nhưng lượng NFT được bán lại còn không đạt con số 100 trong 120 ngày đầu tiên, theo Ars Technica. Điều đó cho thấy sự kém hào hứng của người chơi dành cho vật phẩm số. Báo cáo cho biết vào đầu năm nay doanh thu từ NFT Castlevania của Konami là khoảng 150.000 USD, nhưng đó vẫn là một sự sụt giảm đáng kể đối với một công ty dự kiến sẽ tạo ra doanh thu 2,31 tỷ USD trong năm nay.
Đó là lý do tại sao việc Square Enix quyết định bán các studio ở Châu Âu với giá khoảng 300 triệu USD để theo đuổi các trò chơi dựa trên NFT đã khiến một số người ngạc nhiên. Có thể công ty cho rằng việc tạo ra NFT là một chiến lược ít rủi ro hơn so với đầu tư vào các game bom tấn như Shadow of the Tomb Raider – một game đã không đạt nổi các mục tiêu bán hàng đặt ra. Nhưng việc NFT hoặc các trò chơi vận hành bởi NFT có tạo ra lượng doanh thu nhiều như những thương hiệu nhượng quyền đã thoái vốn của họ không vẫn còn là dấu hỏi lớn.
Hầu hết các công ty game sẽ tránh xa NFT
Vào năm ngoái NFT có vẻ như sẽ là kênh bùng nổ tiếp theo khi các nhà đầu tư cá nhân đổ xô vào các tài sản liên quan đến blockchain. Tuy nhiên, lạm phát và lãi suất tăng đã khiến họ tránh xa những tài sản rủi ro hơn trong 6 tháng qua, đồng thời giá tiền điện tử và NFT đã giảm mạnh. Sự sụt giảm đó được phản ánh trong sự sụp đổ của Defiance Digital Revolution (NFTZ), quỹ hoán đổi danh mục (ETF) hướng đến NFT ra mắt vào tháng 12 năm ngoái.
Vòng quay thị trường đang diễn ra đó có thể tiếp tục trong tương lai gần, có khả năng dễ dàng quét sạch các altcoin (tiền điện tử thay thế) yếu hơn và hầu hết các NFT. Chuyên gia tin rằng lời cảnh tỉnh đó sẽ thuyết phục hầu hết các công ty game từ bỏ các dự án NFT của họ và gắn bó với các DLC và nội dung trong game thông thường.
Vì vậy, hiện tại, các nhà đầu tư nên coi NFT là những dự án phụ thử nghiệm – và không phải là nguồn doanh thu đáng kể – đối với hầu hết các công ty game.
Theo Fool